Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Tại Quyết định số 60/HĐBT ngày 1/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi chế độ trợ cấp đối với công nhân viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động có quy định những trường hợp nghỉ việc vì mất sức lao động theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 236-HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng ½ thời gian công tác đã quy đổi và có quy định một số đối tượng đặc biệt sau khi hết thời hạn hưởng trợ cấp được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Theo đó, những đối tượng đặc biệt sau đây, sau khi đã hết hạn trợ cấp theo quy định tại Điều 1 Quyết định 60/HĐBT được tiếp tục trợ cấp mất sức lao động hàng tháng:
- Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang.
- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được xếp hạng thương tật.
- Những người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp được xếp hạng thương tật.
- Những người bị mất sức lao động từ 81% trở lên.
- Những người khi về nghỉ việc đã hết tuổi lao động (năm đủ 60, nữ đủ 55 tuổi).
- Những người không nơi nương tựa và không có nguồn thu nhập.
Đối với những người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng trước ngày ban hành Quyết định số 176-HĐBT ngày 9-10-1989 của Hội đồng Bộ trưởng thì ngoài những đối tượng nói trên, nếu thuộc diện dước đây cũng tiếp tục được hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng:
- Những người có đủ 5 năm công tác thực tế ở các chiến trường B, K, C, ở biên giới, đảo xa, vùng có nhiều khó khăn gian khổ.
- Những người có đủ 25 năm công tác quy đổi trở lên.
- Những người tính đến ngày 1 tháng 1 năm 1990 đã hết tuổi lao động.
Để được trả lời cụ thể về chế độ của mẹ ông Hậu, đề nghị mẹ của ông cung cấp hồ sơ mất sức lao động và liên hệ với cơ quan BHXH tại địa phương.
Theo Chinhphu.vn