DN dệt may: Mừng và lo


DN VN đang phải NK phần lớn nguyên phụ liệu may mặc, chủ yếu từ các nước không phải thành viên tham gia vào TPP

Nhìn tổng thể có thể thấy rõ, khi TPP đi vào thực thi DN dệt may VN sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, tìm được đầu ra tốt khi cạnh tranh hơn về giá nhờ những rào cản đối với dệt may, da giầy... của các nước tham gia Hiệp định sẽ được dỡ bỏ đến 90%.

Mừng thuế suất xuất khẩu giảm

Hiện nay, thuế suất đối với các thị trường trọng điểm mà VN xuất khẩu mặt hàng dệt may đang được xem là cao. Cụ thể, trong các thị trường xuất khẩu dệt may của VN, Hoa Kỳ chiếm 50%, Châu Âu chiếm 17%, Nhật Bản 12%, Hàn Quốc 6%, còn lại 2% là các thị trường khác. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ phải chịu thuế suất 17,5% và Châu Âu là 9,6%. Sau khi ký Hiệp định TPP thì thuế suất xuất khẩu mặt hàng dệt may tại Hoa Kỳ và thị trường các nước tham gia TPP sẽ được dỡ bỏ. Điều này sẽ tạo điều kiện để DN dệt may cạnh tranh hơn về thị trường XK.

Mặc dù, trong những năm gần đây, ngành dệt may VN luôn đạt kim ngạch XK tăng trưởng liên tục, nhất là ở các thị trường trọng điểm như: EU,Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, nếu xét về giá trị gia tăng thì ngành dệt may lại được xem là thấp nếu so với các ngành khác. Chẳng hạn, trong năm 2012 ngành đạt doanh thu 20 tỉ USD, xuất khẩu đạt 17,2 tỉ USD, nhưng giá trị gia tăng tạo ra trong nước không nhiều do lệ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nặng về phương thức gia công.

Cụ thể, cả nước có 5,1 triệu cọc sợi và hàng năm sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên liệu, nhưng năm 2012, lượng nguyên liệu nhập khẩu lên đến gần 700.000 tấn bông, xơ các loại. Hơn nữa, khâu cung ứng nguyên liệu trong nước cũng được xem là yếu, hiện ngành dệt may có nhu cầu sử dụng 6,8 tỉ mét vải trong năm 2012, nhưng tổng lượng vải sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 0,8 tỉ mét, nhập khẩu 6 tỉ mét. Bên cạnh đó, 70% sản lượng hàng dệt may xuất khẩu của VN được thực hiện theo phương thức gia công CMT (cắt, ráp và hoàn thiện). Bên cạnh đó, hầu hết doanh thu ngành chủ yếu thuộc về DN dệt may FDI từ Hàn Quốc, Trung Quốc...

Lo vì thiếu tính bền vững

Ngành dệt may còn phải đối mặt với việc “tấn công” ồ ạt của các DN FDI khi TPP được ký kết.

Ông Nguyễn Tiến Trưởng - Phó Tổng giám đốc tập đoàn dệt may thừa nhận, ngành vẫn còn những hạn chế và chưa thực sự bền vững. Cụ thể, ngành chưa thực hiện được chuỗi cung ứng, vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu. Điều này sẽ dẫn đến tỉ trọng tích lũy của dệt may VN chưa cao. Hiện nay, các DN VN mới mạnh về khâu may, đây là khâu đầu tư thấp, dễ dịch chuyển nên sẽ có rủi do về phát triển bền vững…

Vì vậy, để tận dụng tối đa những lợi thế TPP ngành dệt may cần phải hình thành chuỗi cung ứng bên trong, có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu. Một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên phụ liệu – may – phân phối… phải được hình thành trong các thành viên TPP. Các DN cũng không nên tận dụng TPP như một cứu cánh để phát triển trong ngắn hạn mà quan trọng hơn là cần tận dụng cơ hội ngày để gia tăng năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển bền vững.

Chưa hết, các chuyên gia còn cho rằng ngành dệt may còn phải đối mặt với việc “tấn công” ồ ạt của các DN FDI khi TPP được ký kết, điều này cũng đồng nghĩa với việc các dệt may VN với quy mô nhỏ và vừa sẽ khó “chống chọi” được với những tập đoàn lớn có kinh nghiệm, thương hiệu và sức ảnh hưởng lớn trên thị trường dệt  may quốc tế.

Vì vậy, ngay từ bây giờ cần thiết phải có quy hoạch phát triển ngành dệt may cả về địa lý và nguồn lao động. Cần công khai và có cam kết của các địa phương để tận dụng cơ hội TPP. Khi quy mô sản xuất gia tăng, sự phân bố các khu vực nhà máy sản xuất, đòi hỏi hệ thống hạ tầng nối các khu trugn thâm thiết kế với khu vực sản xuất, trugn tâm cảng nội địa, cảng biển… phải hoàn thiện.

Bên cạnh đó, chính sách trong kêu gọi đầu tư vào dệt may  cần quan tâm tới trình độ công nghệ, môi trường… Đảm bảo các dự án mới phải sử dụng công nghệ hiện đại, bền vững và có hiệu quả.

Q.Anh