Hướng dẫn xử lý các khoản nợ vay của công ty nông, lâm nghiệp


Ảnh minh họa

Theo nguyên tắc xử lý nợ vay, khoản nợ vay tổ chức tín dụng của công ty nông, lâm nghiệp phải được bảo toàn trong quá trình sắp xếp, đổi mới theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP.

Trước khi thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Đề án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công ty nông, lâm nghiệp phải huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán các khoản nợ vay cho tổ chức tín dụng hoặc thỏa thuận với tổ chức tín dụng về phương án xử lý khoản nợ vay.

Thời điểm xử lý khoản nợ vay là thời điểm chuyển đổi hoặc một thời điểm khác sau thời điểm chuyển đổi theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và công ty nông, lâm nghiệp.

Sau khi công ty nông, lâm nghiệp có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về thực hiện sắp xếp, đổi mới theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, tổ chức tín dụng và công ty nông, lâm nghiệp phải thực hiện ngay việc đối chiếu, xác nhận khoản nợ vay cần phải xử lý, tài sản bảo đảm của khoản nợ vay trên cơ sở hợp đồng tín dụng, hồ sơ về tài sản bảo đảm tiền vay, giấy nhận nợ và các tài liệu khác có liên quan.

Xử lý khoản nợ vay

Thông tư nêu rõ, các biện pháp xử lý khoản nợ vay bao gồm: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau, bán nợ, chuyển giao nợ, chuyển nợ vay thành vốn góp, cổ phần và các biện pháp khác theo quy định phù hợp với từng loại hình chuyển đổi của công ty nông, lâm nghiệp theo Đề án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt gồm: tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển theo hình thức Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, ban quản lý rừng phòng hộ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Riêng đối với các công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện bị giải thể theo Điều 7 và Điều 11 Nghị định 118/2014/NĐ-CP, công ty nông, lâm nghiệp phải thanh toán đầy đủ các khoản nợ vay cho tổ chức tín dụng trước khi giải thể. Trường hợp không có khả năng thanh toán các khoản nợ vay và không còn tài sản để xử lý, tổ chức tín dụng báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý từng trường hợp cụ thể.

Thông tư cũng quy định, tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vay phát sinh trước thời điểm công ty nông lâm nghiệp được sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ vay trên chỉ được thực hiện 1 lần và thời hạn thực hiện cơ cấu lại là 2 năm kể từ ngày công ty nông, lâm nghiệp được tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu theo Điều 4, Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 Nghị định 118/2014/NĐ-CP hoặc chuyển đổi thành ban quản lý rừng phòng hộ, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2015.

                                                                                                     Thanh Châu (báo điện tử Chính phủ)