Cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ


Ảnh minh họa

Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải có văn bản xác nhận vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng Việt Nam như sau: Đối với vốn góp bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tự do chuyển đổi, thì văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng của doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; việc giải phóng khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ hoặc khi doanh nghiệp nhận được văn bản thông báo từ chối cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.

Đối với vốn góp bằng tài sản, bất động sản phục vụ trực tiếp cho mục đích kinh doanh nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, thì văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản.

Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trực tiếp xác nhận vốn của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu tại thời điểm xác nhận.

Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện phá dỡ tàu biển, có thể sử dụng bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn.

Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.

Thủ tục cấp Giấy phép

Thông tư nêu rõ, doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 114/2014/NĐ-CP của Chính phủ gồm: a- Có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; b- Có các bộ phận chuyên trách thực hiện nghiệp vụ về nhập khẩu; pháp luật hàng hải; an toàn lao động và bảo vệ môi trường; c- Có vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng Việt Nam, thì lập 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ theo quy định, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng nhiều hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Sơ đồ tổ chức của doanh nghiệp có các bộ phận chuyên trách theo quy định.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản thẩm định của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ theo mẫu; trường hợp không chấp nhận cấp Giấy phép phải có văn bản thông báo đến doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam và nêu rõ lý do.

Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có hiệu lực 5 năm, kể từ ngày cấp.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định, cơ quan chức năng sẽ thu hồi Giấy phép của doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau đây: a- Vi phạm điều kiện được cấp Giấy phép; b- Cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép; c- Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung ghi trong Giấy phép; d- Doanh nghiệp bị Bộ Giao thông vận tải thu hồi Quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động hoặc ra Quyết định dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển theo quy định tại Điều 15 của Nghị định 114/2014/NĐ-CP.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2015.

Thanh Châu (báo điện tử Chính Phủ)