Hạn chế gian lận thương mại qua C/O : DN cần chủ động

Bà Hương cho biết, trước năm 2008, số lượng các C/O giả và sửa chữa số lượng đối với hàng dệt may XK sang EU xảy ra nhiều. Tuy nhiên, kể từ năm 2008, sau khi VCCI phát hiện và đưa ra một loạt biện pháp, hiện tượng làm giả giấy xuất xứ, sửa chứng từ, số lượng và trị giá trên hóa đơn thương mại... đã giảm nhiều. Phía hải quan các nước cũng đánh giá cao sự hợp tác của VCCI và các bộ, ngành VN trong việc xử lý các vụ việc này.

- Thưa bà, được biết trung tâm đã nhận được những yêu cầu thẩm tra tính xác thực của C/O do hải quan các nước EU gửi. Đồng thời cơ quan chống gian lận thương mại của EU (OLAF) đã có một số cảnh báo về hiện tượng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá giả từ VN ?

Đúng là sau khi nhận được các lời cảnh báo từ Hải quan các nước về tình trạng này, chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cảnh báo sớm cũng như ngăn chặn các hành vi gian lận. Trong đó có việc phối hợp với Hải quan các nước nhằm phát hiện các chứng từ C/O giả và thông báo cho VN.

Chúng tôi đã lập mạng lưới trao đổi thông tin nhằm phát hiện sớm và kịp thời những trường hợp gian lận bằng cách gửi giữ liệu C/O cấp hàng ngày cho phía đối tác. Nhờ đó, khi hàng hoá chưa đến nơi nhưng Hải quan của nước nhập khẩu đã có đầy đủ dữ liệu về các lô hàng. Khi nhà nhập khẩu đến xuất trình bộ hô sơ nhập khẩu để làm thủ tục thông quan, hải quan nước nhập khẩu có thể dễ dàng nhận ra ngay là bộ hồ sơ đó có hợp pháp và hợp lệ hay không.

Bên cạnh đó, để đảm bảo, chúng tôi cũng yêu cầu DN đánh bằng chữ về số lượng và trị giá  trên C/O cho hàng dệt may XK sang EU nhằm tránh hiện tượng sửa chữa, cạo, tẩy số liệu... Đến nay sau gần 3 năm triển khai giải pháp trên, số lượng C/O giả và sửa chữa chứng từ đã giảm rất nhiều.

Hiện tại, khi mà tình trạng gian lận đã có xu hướng giảm, VCCI đã có những “lới lỏng” hơn cho các DN, cụ thể là không cần phải đánh trị giá hàng hoá lên C/O. Chúng tôi biết rằng khi áp dụng những biện pháp đó cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới các DN. Đặc biệt là các DN thương mại, người bán và người mua đều  không muốn cho bên thứ 3 biết giá trị của lô hàng đó.

- Mặt hàng nào dễ bị gian lận thương mại qua C/O, những phương thức gian lận nào thường được các DN thực hiện, thưa bà ?

Thông thường là các mặt hàng mà các nước xung quanh VN bị các nước hay thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ... áp thuế chống bán phá giá hoặc các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Nguy cơ các mặt hàng này được chuyển tải bất hợp pháp vào VN để hợp thức hoá các bộ hồ sơ về vận chuyển, sau đó làm giả chứng từ, hồ sơ để hợp thức hoá lô hàng này có xuất xứ tại VN. Đây là hình thức làm giả hoàn toàn giấy chứng nhận từ bên ngoài (giả mẫu con dấu và chữ ký của cán bộ cấp C/O)

Thậm chí có nhiều trường hợp DN VN bị mạo danh trên C/O giả do một DN nước ngoài làm giả, chẳng hạn có DN chỉ chuyên kinh doanh vận tải, chưa bao giờ làm hàng dệt may hoặc ký hợp đồng kinh doanh với các nước EU...nhưng đã bị phía đối tác nước ngoài mạo danh làm giả C/O với đầy đủ địa chỉ, tên tuổi Cty...Việc làm giả này hoàn toàn nằm ngoài VCCI và chúng tôi không thể biết được.

Nguy cơ thứ hai là các DN vào VN sản xuất gia công nhưng ở công đoạn chưa đủ để đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ. Do đó, hàng hoá này sẽ không được cấp giấy chứng nhận xuất xứ, từ đó dẫn đến nguy cơ làm giả C/O

Nhiều khi nhà sản xuất, gia công cũng không quan tâm việc lô hàng đó đi đâu, nơi cuối cùng là thị trường nào vì vậy rất dễ xảy ra gian lận thương mại
- Trước thực trạng đó, VCCI có giải pháp gì để sớm phát hiện cũng như cảnh báo các hiện tượng gian lận như vậy ?

Chúng tôi áp dụng nhiều giải pháp. Thứ nhất là thường xuyên tra cứu các mặt hàng bị các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ... áp thuế chống bán phá giá và áp với các nước nào. Khi phát hiện ra những DN có các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp chống bán phá giá, hoặc đang tiến hành điều tra... bắt buộc phải cảnh giác và có các biện pháp kiểm tra chặt chẽ với những DN này.

Thứ hai, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện sớm các trường hợp gian lận. VCCI đã ký biên bản thoả thuận với Cục điều tra chống buôn lậu về việc trao đổi dữ liệu thông tin, thành lập Hội đồng tư vấn cảnh báo và ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O. Thành phần của Hội đồng gồm: Cục quản lý cạnh tranh, Vụ XNK (Bộ Công Thương); Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT); Cục Hải quan; Bộ Công an...

Hội đồng hoạt động rất hiệu quả, đã được triển khai đến tới UBND các tỉnh thành phố để rà soát các mặt hàng có nguy cơ cao gian lận thương mại ngay từ ban đầu khi DN xin cấp chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại VN hoặc sẽ tư vấn và hướng dẫn cho DN để các sản phẩm của DN đáp ứng tiêu xuất xứ. Nhằm tránh trường hợp DN đã xây dựng xong nhà máy, hàng hóa đã xuất đi rồi nhưng sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ của VN, DN không thực hiện đúng các cam kết trong Hợp đồng hoặc L/C => khách hàng từ chối nhập khẩu, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của DN.

- Bà có lời khuyên gì cho DN để tránh hiện tượng gian lận thương mại qua C/O ?

VCCI đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, trang bị kiến thức cho DN về gian lận thương mại và phân tích cho DN biết khi có gian lận thương mại sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của DN, sán phẩm của DN nói riêng và hàng hoá VN nói chung trên thị trường thế giới. Chúng tôi cũng  phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để thu thập được thông tin. Đồng thời chuyển tải đến DN các thông tin về thực trạng gian lận thương mại qua C/O và tuyên truyền phổ biến pháp luật, thực tiễn về các biện pháp ngăn chặn hành vi gian lận thương mại đối với mỗi ngành hàng và mỗi thị trường, cũng như kỹ năng ứng phó đối với mỗi trường hợp gian lận thương mại để các DN sẵn sàng chủ động hơn...

- Xin cảm ơn bà !

Quốc Anh thực hiện