Giảm thuế xuất khẩu than: Vì lợi ích của ai ?

Cần nói thêm rằng đề nghị giảm thuế được nêu ra trong bối cảnh nhà nước không khuyến khích xuất khẩu nguyên liệu thô. Mặt khác, trong khi ngày ngày xuất khẩu một lượng lớn than, tập đoàn này lại bỏ ra không ít ngoại tệ để nhập than về!

Trông chờ vào xuất khẩu

Theo báo cáo của Vinacomin, năm 2010 doanh nghiệp này xuất khẩu trên 18,7 triệu tấn than. Năm 2011, tuy giảm 20% nhưng dự kiến lượng than xuất khẩu cũng sẽ lên tới 16,5 triệu tấn. Kế hoạch “múc” than lên bán cho nước ngoài còn kéo dài tới sau năm 2015.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Vinacomin thừa nhận một thực tế là ngành này trông đợi chủ yếu vào xuất khẩu. Chính vì vậy năm 2011, khi thuế xuất khẩu than được điều chỉnh tăng từ 10% lên 15% là Tập đoàn “gặp khó khăn trong việc cân đối tài chính”. Theo Vinacomin giá bán than cho điện hiện nay mới chỉ bằng khoảng 60% giá thành. Nhờ xuất khẩu than Vinacomin mới bù đắp được phần chênh lệch giữa giá thành sản xuất và giá bán than cho điện (năm 2010 khoảng 3.800 tỷ đồng; năm 2011 khoảng 5.000 tỷ đồng).Vẫn theo báo cáo của Tập đoàn, do chi phí đầu vào tăng cao (dầu diezel tăng 2 đợt, thuốc nổ và giá dịch vụ nổ mìn tăng, điện tăng, chi phí lãi vay tăng, chi phí vật tư phụ tùng tăng….) nên tổng chi phí năm 2011 sẽ tăng so với cân đối kế hoạch đầu năm tới 6.610 tỷ đồng.

Năm 2011, mặc dù giá than xuất khẩu tăng cao, nhưng theo tính toán của Vinaconmin thì phần tăng thu cũng chỉ bằng khoảng 20% so với tổng chi phí đầu vào tăng thêm. Trong khi đó năm 2011, vốn đầu tư sản xuất than cần khoảng 3,5 tỷ USD, nên Vinacomin cần phải có lợi nhuận để có vốn đối ứng đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế…

Với hàng loạt lý do được đưa ra đó, vì lợi ích của Tập đoàn, Vinacomin đề nghị Thủ tướng Chính phủ giảm thuế xuất khẩu than từ 15% xuống 10%, nghĩa là trở về mức thuế suất cũ.

Vì lợi ích cục bộ?

Trong khi đó, giảm dần và tiến tới ngừng xuất khẩu khoáng sản, trong đó có than, là quan điểm nhất quán của Bộ Công Thương và cũng là chủ trương của nhà nước. Trả lời báo chí tại cuộc giao ban xuất khẩu 6 tháng đầu năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên một lần nữa khẳng định chủ trương hạn chế xuất khẩu những mặt hàng nhiên liệu và nguyên liệu thô. Trên thực tế nhu cầu sử dụng than trong nước ngày càng tăng, trong khi khả năng sản xuất, cung ứng lại ngày một giảm. Báo cáo của Vinacomin cho thấy, dự kiến sản lượng than sản xuất trong nước từ năm 2011 tới năm 2015 tăng thấp, từ 44 triệu tấn lên 55 triệu tấn. Cùng kỳ, than phục vụ cho nhu cầu trong nước sẽ tăng từ 27,5 triệu tấn lên 52 triệu tấn. Như vậy, nhập khẩu than là điều không tránh khỏi. Ngay ở thời điểm hiện tại, khi vẫn đang hối hả xuất một lượng lớn than thì Vinacomin lại cũng rất nhiệt tình trong việc nhập khẩu!

Dường như ngành than đang chạy theo lợi ích cục bộ trước mắt mà quên đi cái hại lâu dài!

Lý giải của Tập đoàn này đưa ra là trong bối cảnh hiện nay, cả xuất và nhập đều đem lại “lợi ích kinh tế”. Song theo nhiều chuyên gia thì bài toán kinh tế từ việc nhập khẩu than rất cần được tính toán kỹ. Nếu cùng một chủng loại, cùng chất lượng thì không bao giờ có chuyện than nhập khẩu lại rẻ hơn than sản xuất trong nước.

Mặt khác, trong khi Bộ Công Thương đang vất vả áp dụng rất nhiều biện pháp để kiềm chế nhập siêu thì việc mang một lượng không nhỏ ngoại tệ đi nhập khẩu một mặt hàng đang xuất khẩu nhiều cần tính toán lại.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, dường như ngành than đang chạy theo lợi ích cục bộ trước mắt mà quên đi cái hại lâu dài. Trong những năm qua, thay vì tích cực xuất khẩu than, nếu Vinacomin đẩy mạnh đầu tư theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chỉ tập trung tiềm lực đầu tư cho ngành than thì thời điểm phải nhập khẩu than của Việt Nam có thể chậm lại hàng chục năm.

Quay trở lại đề xuất xin giảm thuế suất xuất khẩu than của Vincomin. Một trong những lý do Bộ Tài chính tăng thuế xuất khẩu than là để giảm bớt tốc độ xuất khẩu mặt hàng này.

Những lý do mà Vinacomin đưa ra để xin giảm thuế là một thực tế, nhưng cần phải đặt trong bài toán tổng thể, lâu dài. Theo kế hoạch 5 năm 2001-2015 của Vinacomin thì lượng than xuất khẩu sẽ giảm xuống theo từng năm (năm 2011 là 16,5 triệu tấn; 2012 là 13,5 triệu tấn; 2013 là 6 triệu tấn…). Nhiều ý kiến cho rằng tốc độ giảm cần nhanh hơn nữa bằng nhiều biện pháp, trong đó có thuế.

Thành
Theo Doanh Nhân