Chuyển tuyến khám chữa bệnh, khó hay không?

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời cử tri như sau:

Đối với việc chuyển tuyến, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản quy định cụ thể như: Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT và một số văn bản liên quan khác.

Tại Điều 5, Thông tư số 14/2014/TT-BYT quy định, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện sau đây: Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị; Căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn; Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4).

Như vậy, theo Điểm a, Điều 5 Thông tư số 14/2014/TT-BYT, việc quyết định người bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên khi: Bệnh được chẩn đoán ngoài danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt; Bệnh được bác sỹ trực tiếp điều trị nhận định vượt khả năng chuyên môn của cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc nhận định diễn biến của bệnh có đủ điều kiện để chuyển tuyến hay không có lại phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng tiên lượng bệnh của từng bác sỹ đối với tình trạng bệnh cụ thể mỗi người bệnh. Thực tế có trường hợp do không tiên lượng được mức độ của bệnh, cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới cho rằng cần phải theo dõi tiến triển của bệnh xem có vượt quá khả năng điều trị của mình hay không, dẫn tới việc giữ người bệnh tại tuyến dưới quá lâu, chậm chuyển lên tuyến trên.

Ví dụ: Một trẻ dưới 5 tuổi đến cơ sở y tế với chẩn đoán viêm phổi trẻ em/tiêu chảy đơn thuần, bệnh này nằm trong khả năng điều trị của tuyến dưới; nhưng sau một thời gian điều trị bệnh có thể biến chứng suy hô hấp đột ngột/suy kiệt mà không tiên lượng được. Để xác định cơ sở y tế giữ người bệnh tại tuyến dưới quá lâu, chậm chuyển lên tuyến trên là khó. Qua các nghiên cứu, các bằng chứng cũng như các báo cáo của các bệnh viện gửi về Bộ Y tế chưa ghi nhận được hiện tượng giữ người bệnh nêu trên. Thực tế, không cơ sở y tế nào muốn giữ những bệnh nhân vượt quá khả năng điều trị của mình vì nguy cơ tai biến có thể xảy ra.

Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bệnh viện được phép triển khai và thanh toán BHYT cho các dịch vụ kỹ thuật được phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền (Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật thực hiện ở Bệnh viện trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật thực hiện ở Bệnh viện trực thuộc Sở). Nếu trong phạm vi danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt mà bệnh viện chuyển người bệnh lên tuyến trên thì sẽ bị trừ vào Quỹ BHYT của bệnh viện, ảnh hưởng tới nguồn thu của bệnh viện. Chính điều này có thể nảy sinh hiện tượng giữ người bệnh để không giảm nguồn thu của bệnh viện.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế có một số giải pháp như: Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về vấn đề chuyển tuyến đối với các cơ sở khám chữa bệnh; Nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới; Đẩy mạnh việc triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cao (không phân biệt bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân); coi đây là một trong những giải pháp căn bản để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao cho tuyến dưới, đồng thời phát huy hết hiệu quả, hiệu suất của các bệnh viện hiện có; Đẩy mạnh triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện (không phân biệt bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân) theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, tiến tới phân loại chất lượng bệnh viện, gắn mức chi trả dịch vụ y tế tương đương với mức chất lượng của bệnh viện.

Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ các Đề án: Công nhận kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế; Nâng cao toàn diện chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho các tuyến. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở. Thay đổi cơ chế thanh quyết toán BHYT.

Hiện nay Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT theo đó tiến tới áp dụng hiệu quả các phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT được cho phép tại Luật BHYT bao gồm: Thanh toán theo định suất là thanh toán theo định mức chi phí khám bệnh, chữa bệnh và mức đóng tính trên mỗi thẻ BHYT được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong một khoảng thời gian nhất định; Thanh toán theo giá dịch vụ là thanh toán dựa trên chi phí của thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế được sử dụng cho người bệnh; Thanh toán theo trường hợp bệnh là thanh toán theo chi phí khám bệnh, chữa bệnh được xác định trước cho từng trường hợp theo chẩn đoán.

Theo Chinhphu.vn