Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận: Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả

Một trong những thiết bị sản xuât phân bón Madi in USA của Công ty Thuận Phong

Theo công văn số 3645 của Bộ Khoa học và Công nghệ, sau khi xem xét Công văn số 82/BT-BCT ngày 1/9/2015 của Bộ Công Thương; Báo cáo số 6792/BC-CAT (PC46) ngày 4/9/2015 của Công an tỉnh Đồng Nai; báo cáo của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, là thành viên tham gia Đoàn công tác Ban 389 quốc gia làm việc tại Đồng Nai, Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận:

Về số phân bón do Công ty Thuận Phong nhập khẩu, tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ và Thông tư số 09/2007/TT- BKHCN ngày 6/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ, hợp đồng phân phối độc quyền BIO HUMA NETICS (viết tắt là Công ty BHN) – Thuận Phong, do Công ty Thuận Phong cung cấp không có chữ ký của hai bên. Do đó theo quy định của Luật Doanh nghiệp, hợp đồng này không có giá trị pháp lý tại Việt Nam.

Căn cứ các quy định trên, Công ty Thuận Phong có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa của mình đối với các lô phân bón nhập khẩu được đóng chai tại Công ty Thuận Phong. Việc Công ty Thuận Phong đóng chai, dán nhãn chính bằng Anh là nhãn gốc nhập khẩu tại Hoa Kỳ, dán nhãn phụ bằng tiếng Việt là hành vi giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác, giả mạo nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa.

Chưa hết, theo Điểm đ, Điểm e, Khoản 8, Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì hàng hóa của nhãn vi phạm như trên là hàng giả.

Căn cứ vào hồ sơ tài liệu liên quan cho thấy ý kiến của các đơn vị về vụ việc có sự khác nhau, do đó Bộ Khoa học và Công nghệ  đề nghị xác minh làm rõ hành vi vi phạm trên và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đối với màng co mang nhãn hiệu Tico của Công ty Thuận Phong. Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đồng Nai đã xác định và niêm phong 12,34 kg màng co hiệu Tico chuyển Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị làm rõ nguồn gốc xuất xứ, mục đích sử dụng đối với màng co trên.

Về sở hữu công nghiệp, việc Công ty Thuận Phong sử dụng dấu hiệu ® trên sản phẩm phân bón mang nhãn hiệu “Huma Gro” là hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, quy định tại Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Huma Gro” cho sản phẩm “phân bón” ở Việt Nam chưa được xác lập cho Công ty BHN, do đó Công ty BHN không có quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu trên tại Việt Nam để chuyển giao cho chủ thể khác dưới bất kỳ hợp đồng nào và việc tự thỏa thuận chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu “Huma Gro” trên lãnh thổ Việt Nam giữa Công ty BHN và Công ty Thuận Phong không có giá trị với cơ quan quản lý của Việt Nam.

Về chất lượng phân bón, kinh doanh phân bón không đúng địa chỉ, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón của Công ty Thuận Phong, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị các bộ ngành cho ý kiến đối với chất lượng phân bón, điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phân bón của Thuận Phong để xử lý nghiêm theo quy định của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013.

Theo báo Công Thương online