Ai được cạnh tranh với EVN trong mua bán điện?

Bộ Công Thương vừa có Quyết định số 8266/QĐ-BCT phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh, với các quy định nhằm xóa bỏ vai trò độc quyền mua bán điện của EVN.

Hiện tất cả các đơn vị phát điện đều phải bán buôn cho Công ty mua bán điện thuộc EVN. Còn theo Quyết định nói trên, sẽ có thêm 3 nhóm đối tượng khác được mua buôn điện, gồm 5 Tổng công ty Điện lực của EVN, các khách hàng sử dụng điện lớn và đáng chú ý nhất, là đơn vị mua buôn điện cạnh tranh mới.

“Đơn vị mua buôn điện cạnh tranh mới được phép tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương”, Quyết định chỉ rõ.

Như vậy, doanh nghiệp này không bắt buộc phải là doanh nghiệp nhà nước, chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp phép.

Một vấn đề đang được quan tâm là các đơn vị phải đáp ứng các điều kiện nào mới được phép tham gia mua buôn điện? Luật Điện lực 2004 và Nghị định số 137/2013/NĐ-CP đã quy định về các điều kiện này.

Theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP, để được giấy phép hoạt động điện lực nói chung (trong đó có hoạt động bán buôn điện), các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau: Là tổ chức, cá nhân được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh, các tổ chức khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật); có ngành nghề kinh doanh phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp phép; có hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực hợp lệ; nộp lệ phí, phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định.

Riêng với hoạt động bán buôn điện, để được cấp giấy phép hoạt động bán buôn điện, ngoài các quy định chung nói trên, phải đáp ứng các điều kiện sau:

-  Người trực tiếp quản lý kinh doanh bán buôn điện phải có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện, kinh tế, tài chính hoặc chuyên ngành tương tự và có thời gian làm việc trong lĩnh vực kinh doanh mua bán điện ít nhất 05 năm.

- Người quản lý kỹ thuật phải có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành điện và kinh nghiệm làm việc với lưới điện có cấp điện áp tương ứng ít nhất 03 năm.

- Người trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành điện hoặc có giấy chứng nhận đào tạo về điện do cơ sở dạy nghề cấp, được đào tạo an toàn điện theo quy định.

- Có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp với yêu cầu của thị trường điện lực.

Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn, ưu điểm của mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh là tạo ra sự cạnh tranh trong khâu phát và bán buôn điện, xóa bỏ được độc quyền mua điện của đơn vị mua duy nhất trong thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay, các đơn vị phân phối và các khách hàng tiêu thụ sản lượng điện lớn có quyền lựa chọn nhà cung cấp điện…

                                                                                                                                 Thanh Hằng (báo điện tử Chính Phủ)