Đề xuất quy định quản lý phụ phí vận tải biển

Ảnh minh họa
Theo một khảo sát của nhóm chuyên gia tư vấn về hải quan của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chi phí cho các hãng tàu đang là chi phí nặng nhất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hiện số tiền mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chi cho cho các hãng tàu lên đến 5-6 triệu đồng mỗi container hàng hóa, chiếm khoảng 50% tổng chi phí.

Tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, thực hiện các giải pháp hợp lý kiểm soát việc thu phụ phí của các hãng tàu, ngăn chặn việc các hãng tàu áp đặt các loại phí một cách tuỳ tiện. Phối hợp với Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm công khai minh bạch về cước và phụ cước.

Tuy nhiên, theo Bộ KHĐT, cho đến ngày 19/6 vừa qua, vẫn chưa có thông tin về việc Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ được giao nói trên.

Tại báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra phụ phí theo cước vận tải biển, Bộ Tài chính đã cung cấp những số liệu cụ thể hơn về thực trạng này.

Theo đó, các hãng tàu thu của các doanh nghiệp xuất khẩu gần 70 loại phụ phí các loại. Trung bình mỗi hãng thu khoảng 14, 15 loại phí, cá biệt có Công ty Liên doanh Đại lý Vận tải Evergreen thu tới 47 loại phí.

Tính trong năm 2013 và 2014, tổng số tiền thu cước vận tải biển và phụ phí theo cước vận tải biển mà các đại lý thu hộ cho hãng tàu là hơn 77 nghìn tỷ đồng.

Các loại phụ phí theo cước vận tải biển chiếm tỷ trọng lớn nhất là: Phí dịch vụ xếp dỡ container 13 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,69%; phụ phí xăng dầu EBS/BUC/FRC gần 5,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,51%; phí lưu bãi container gần 1,6 nghìn tỷ đồng chiếm 5,98%...

Nhiều khoản phí chưa minh bạch

Theo Bộ Tài chính, các hãng tàu chưa minh bạch trong việc áp dụng mức thu một số khoản như phụ phí biến động giá nhiên liệu; phụ phí mất cân bằng container, phụ phí biến động tỷ giá; phụ phí bảo dưỡng và sửa chữa container, phụ phí vệ sinh container.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đang bị áp đặt mức thu do chủ yếu áp dụng hình thức "mua CIF, bán FOB", tức là mua với giá tại cửa khẩu của bên nhập khẩu, đã bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hoá tới cửa khẩu nhưng lại bán với giá tại cửa khẩu của bên xuất khẩu, chưa bao gồm các loại chi phí nêu trên.

Cũng theo cơ quan chức năng, các hãng tàu thu phí cao hơn so với thực tế phải trả cho dịch vụ của cảng biển Việt Nam. Đơn cử, mức thu phụ phí xếp dỡ container của hãng tàu đối với công ty giao vận (trung gian) hoặc trực tiếp thu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trung bình 131,5 USD/container 40 feet, 88 USD/container 20 feet. Trong khi đó, mức chi trả cho dịch vụ xếp dỡ cảng biển thực tế tại 6 cảng biển của Việt Nam  chỉ khoảng 69,1 USD/container 40 feet và 46,1 USD/container 20 feet.

Theo giải trình của các hãng tàu, nguyên nhân cao hơn là do ngoài các chi phí trực tiếp phải trả cho cảng biển, các hãng tàu phải trả cho các cảng trung gian liên quan đến việc xếp dỡ container và các chi phí khác có liên quan trên cả hành trình tàu như phí đảo container... Song, Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân này chưa có cơ sở và mức chênh lệch quá cao như trên là chưa hợp lý.

Không chỉ các hãng tàu, chính các công ty giao vận trung gian cũng thu phụ phí theo cước vận tải biển cao hơn so với quy định của hãng tàu.

Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, tại Việt Nam, phụ phí theo cước vận tải biển không thuộc danh mục Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải do Nhà nước quy định. Các khoản phụ phí theo cước vận tải biển cũng chưa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá của Luật Giá nên việc thu các loại phụ phí này do các hãng tàu nước ngoài đặt ra mà chưa có sự kiểm soát thống nhất của cơ quan quản lý Nhà nước.

Tới đây, sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện và có thông báo chính thức về kết quả kiểm tra này đồng thời phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện hoạt động thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Thành Đạt (báo điện tử Chính Phủ)