Kẽ hở văn bản: Doanh nghiệp rủi ro


Ảnh:
Hoàng Long

Những quy định đa nghĩa

Dư luận đang quan tâm tới việc Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bị Kiểm toán Nhà nước “ấn trát” buộc nộp bổ sung hơn 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của năm 2012. Đây là trường hợp điển hình “vênh” nhau về cách hiểu, tính thuế TTĐB. Phía doanh nghiệp (DN) lẫn nhiều chuyên gia cho rằng, thuế TTĐB là thuế đánh vào nhà sản xuất chứ không phải khâu thương mại. Căn cứ tính thuế của Sabeco nói riêng và các tổng công ty sản xuất không sai so với các quy định hiện hành của Nhà nước.

Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục khẳng định việc kiến nghị tăng thu thuế TTĐB là đúng. Và chính cơ quan này cũng kiến nghị Bộ Tài chính sớm sửa đổi cách tính thuế TTĐB. Câu chuyện của Sabeco chỉ là một trường hợp gần nhất, nóng nhất về thực trạng văn bản được ban hành chưa chặt dẫn đến tình trạng DN cũng có lý, cơ quan quản lý cũng có lý. 

Trước Sabeco, một số DN xuất khẩu gỗ ở khu vực miền Trung phản ánh, với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu, một số thị trường không yêu cầu phải kiểm dịch nhưng theo Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, cơ quan kiểm dịch thực vật vẫn yêu cầu phải kiểm dịch. Phí kiểm dịch không được thu theo mẫu mà theo lô hàng.

Cứ 1 lô là 500 tấn, 1 con tàu 40.000 tấn thì tính là 80 lô, tổng cộng mất 43 triệu đồng phí kiểm dịch. Chưa kể, dăm gỗ rất dễ hút ẩm, phí kiểm dịch tăng lên rất nhiều. DN cho biết họ chỉ nhận được biểu phí để áp dụng, vẻn vẹn 1 trang giấy, không biết phần đầu, phần cuối và trích ở văn bản nào. Và mãi đến ngày 1/7 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đã có văn bản trả lời dăm gỗ xuất khẩu không phải kiểm dịch. 

Nhiều DN cho biết, các quy định thuế phí hiện nay rất chồng chéo nhau, không biết đường nào mà lần. Thực hiện theo cách của DN thì sợ bị xử phạt, thực hiện theo quy định thì không rõ đường đi nước bước thế nào. Chẳng hạn trong khi ngân hàng chưa thực hiện được việc chỉ cấp 1 giấy nộp tiền cho nhiều tờ khai hải quan thì doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu hàng, cứ 1 lô hàng phải xin 1 tờ giấy đi kèm, xuất khẩu 100 lô hàng phải xin đủ 100 phiếu nộp tiền. 

Thời gian gần đây Việt Nam  nỗ lực cải thiện để môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam phải đạt mức ASEAN 4. Điều quan trọng mà Chính phủ muốn hướng tới là vấn đề hoàn thiện thể chế, phải luật hóa. Các hoạt động cản trở DN, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư sẽ phải có các chế tài đủ mạnh nhưng đồng thời cũng buộc DN thực thi nghiêm túc các quy định. Tuy nhiên các quy định, văn bản thuế phí không rõ ràng đang gây khó cho DN và dồn DN vào thế khó, lợi nhuận DN bị ăn mòn vì chi phí.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thời gian tới không thể tồn tại kiểu quy định đa nghĩa, mỗi người hiểu một ý. Bộ hướng dẫn một kiểu, nhưng xuống cấp sở, phòng thì có thể “vận dụng” theo các hướng khác nhau. Theo ông Vinh, DN muốn tồn tại thì buộc phải tự mình cũng phải minh bạch trong môi trường đầu tư mới.

Doanh nghiệp cần được tháo gỡ rào cản để phát triển.

Lực cản khiến DN khó lớn

Điều kiện kinh doanh bất hợp lý là thể chế tạo ra rủi ro cho DN. DN không “lớn” được, không tiếp cận được chuỗi giá trị toàn cầu; khó cạnh tranh trong hội nhập khi bị điều kiện kinh doanh vô lý áp đặt. Điều kiện kinh doanh vô lý cũng đặt ra rào cản là chi phí gia nhập thị trường cao và kéo dài, mất cơ hội tiếp cận kinh doanh, gây thiệt thòi cho DN nhỏ, vừa; làm thui chột sáng tạo kinh doanh, loại bỏ cách làm khác, mới; khiến quan hệ cung cầu méo mó, thị trường trở nên không đầy đủ. 

Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015. Việt Nam cũng ngày càng hội nhập sâu. Nhiều hiệp định thương mại đã và đang được triển khai ký kết.

Theo ông Phạm Đình Thi- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), trước những cơ hội và thách thức mới, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp nhằm trợ giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập, trong đó có các giải pháp về thuế. Trong khi đó cộng đồng DN cho rằng, các chính sách về thuế, phí cần rõ ràng để tránh dồn DN rơi vào rủi ro. 

Theo luật sư Ngô Việt Hòa- Công ty Luật Russin&Vecchi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy con người, tư duy nhà quản lý về quyền tự do kinh doanh của DN. Chỉ khi thay đổi tư duy, mới mong có sự đổi mới triệt để về xây dựng và thực thi pháp luật về điều kiện kinh doanh, DN mới thực sự lớn mạnh được.  

 T.Hằng ( Đại Đoàn Kết online)