Công ty tham khảo Khoản 3, Điều 38 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thấy có quy định: “Không bắt buộc phải lập quy trình bảo trì riêng cho từng công trình cấp III trở xuống, nhà ở riêng lẻ và công trình tạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng của các công trình này vẫn phải thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo các quy định về bảo trì công trình xây dựng của Nghị định này”.
Công ty hỏi, theo hướng dẫn nêu trên thì đối với công trình cấp III không bắt buộc phải lập quy trình bảo trì mà sử dụng quy trình bảo trì trong Nghị định số 46/2015/NĐ-CP để thực hiện có đúng không?
Tại Khoản 4, Điều 20 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có quy định: “Tổ chức tư vấn quản lý dự án được lựa chọn phải thành lập văn phòng quản lý dự án tại khu vực thực hiện dự án và phải có văn bản thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện và bộ máy trực tiếp quản lý dự án gửi chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan”.
Công ty muốn biết, trường hợp Công ty đã có quyết định thành lập tổ tư vấn quản lý dự án (trong đó có phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên) thì Công ty có phải lập đề cương tư vấn quản lý dự án hay không?
Còn tại Khoản 18, Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP có nêu: “Cá nhân đảm nhận chức danh Giám đốc quản lý dự án phải có chứng chỉ hành nghề quản lý dự án phù hợp với loại và quy mô dự án theo quy định tại Điều này”. Vậy, quy định này có áp dụng đối với Giám đốc quản lý dự án của các Ban quản lý dự án chuyên ngành hay Ban quản lý dự án khu vực hay không?
Theo Điểm d, Khoản 2, Điều 9 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 về quản lý chi phi đầu tư xây dựng công trình thì “Chi phí khác được xác định trên cơ sở định mức tỷ lệ phần trăm (%) hoặc ước tính hoặc bằng dự toán hoặc giá trị hợp đồng đã ký kết”.
Công ty đề nghị giải đáp, trường hợp công trình đã có phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán (chi phí khác được xác định theo tỷ lệ phần trăm trong tổng dự toán) và khi dự thầu nhà thầu xây lắp đã chào thầu một khoản chi phí cho xây dựng nhà tạm để ở và điều hành thi công (thuộc phạm vi của chi phí hạng mục chung) thì nhà thầu có phải lập chi tiết hồ sơ thiết kế và dự toán của nhà tạm này hay không?
Bộ Xây dựng trả lời các vấn đề doanh nghiệp hỏi như sau:
Chủ đầu tư có thể thuê tư vấn quản lý dự án
Về quy trình bảo trì, theo quy định tại Khoản 3, Điều 38 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ, đối với công trình có quy mô từ cấp III trở xuống không bắt buộc phải lập quy trình bảo trì riêng vì quy mô và tính chất kỹ thuật không quá phức tạp.
Tuy nhiên, để bảo đảm duy trì công năng theo đúng yêu cầu của thiết kế, bảo đảm an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình trong quá trình khai thác, sử dụng, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình phải thực hiện bảo trì công trình theo các nội dung quy định tại Khoản 1, Điều 38 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.
Liên quan đến vấn đề quản lý dự án, hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng được quy định tại Điều 16 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ. Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng được quy định tại Điều 66 Luật Xây dựng năm 2014.
Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư căn cứ vào quy mô, tính chất, nguồn vốn và điều kiện thực hiện dự án để quyết định hình thức quản lý dự án, cơ cấu tổ chức của đơn vị quản lý dự án để đáp ứng yêu cầu thực hiện công việc quản lý dự án.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 67 Luật Xây dựng năm 2014, chủ đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch tiến độ, biện pháp thi công xây dựng và quản lý thực hiện dự án theo tiến độ thi công xây dựng được duyệt.
Trong trường hợp, chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực để thực hiện một số công việc quản lý dự án đầu tư xây dựng thì được thuê tư vấn để thực hiện. Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát công việc tư vấn quản lý dự án và được ủy quyền cho tư vấn thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án theo hợp đồng quản lý dự án.
Như vậy, trường hợp chủ đầu tư thuê tư vấn để quản lý dự án, đơn vị tư vấn quản lý dự án sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư theo nội dung của hợp đồng quản lý dự án và có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án. Đơn vị tư vấn quản lý dự án có trách nhiệm lập đề cương quản lý dự án trình chủ đầu tư phê duyệt theo nội dung của hợp đồng quản lý dự án.
Đối với câu hỏi về Giám đốc quản lý dự án thì Giám đốc quản lý dự án của Ban quản lý dự án chuyên ngành và Ban quản lý dự án khu vực phải đáp ứng yêu cầu về năng lực hoạt động xây dựng theo quy định tại Khoản 18, Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ.
Cách xác định chi phí nhà tạm
Theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng, chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công được xác định theo tỷ lệ phần trăm của chi phí xây dựng và chi phí lắp đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị trước thuế giá trị gia tăng.
Trong trường hợp việc xác định chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công theo tỷ lệ phần trăm không phù hợp, chủ đầu tư căn cứ vào điều kiện thực tế để tổ chức lập và phê duyệt dự toán của chi phí này.
Nhà thầu có thể chào một khoản chi phí để thực hiện xây dựng nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công mà không phải lập thiết kế, dự toán riêng (trong phạm vi chi phí xây dựng công việc này của dự toán được phê duyệt).
Trường họp nhà thầu đề xuất lập thiết kế và dự toán riêng, chủ đầu tư tổ chức phê duyệt thiết kế, dự toán chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công làm cơ sở triển khai thực hiện.