Thanh tra doanh nghiệp phân bón có chồng chéo?

Công ty muốn biết, nếu Đội Quản lý thị trường còn thẩm quyền nêu trên thì ranh giới giữa thẩm quyền thanh tra của Quản lý thị trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là gì? Khi doanh nghiệp sản xuất phân bón chịu sự kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đội Quản lý thị trường thì việc thực thi Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp” tiến hành như thế nào?

Nếu trong năm Đội Quản lý thị trường đã tiến hành thanh tra chuyên ngành cơ sở sản xuất thì Công ty có quyền từ chối tiếp đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không?

Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

Thanh kiểm tra doanh nghiệp cần sự phối hợp của các cơ quan

Cơ sở pháp lý thực hiện thanh tra trong lĩnh vực sản xuất phân bón của Quản lý thị trường địa phương đối với Công ty TNHH Thủy Sinh Kim tại thời điểm thanh tra.

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 34/2015/TTLT-BCT-BNV ngày 27/11/2015 của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Quản lý thị trường địa phương. Cụ thể:

"1. Vị trí và chức năng:

a) Đội Quản lý thị trường là tổ chức trực thuộc Chi cục Quản lý thị trường, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát thị trường, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, công nghiệp trên địa bàn và ỉĩnh vực được giao.

2. Nhiệm vụ:

a) Thực hiện công tác quản lý địa bàn, lĩnh vực được giao theo quy định của pháp luật; thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại, công nghiệp; thu thập thông tin về diễn biến tình hình thị trường, đối tượng, quy luật, phương thức, thủ đoạn của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, công nghiệp trên địa bàn hoặc lĩnh vực được giao; đề xuất và kiến nghị với UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường hoặc cơ quan Nhà nước có liên quan biện pháp quản lý thị trường, ngăn ngừa vi phạm pháp luật thương mạỉ, công nghiệp trên địa bàn, lĩnh vực được giao;

b) Kiểm tra tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc tuân thủ phảp luật về thương mại, công nghiệp và các lĩnh vực khác được giao;

c) Trực tiếp hoặc phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan tiến hành kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý khi phát hiện có hành vi vi phạm hành chính hoặc vụ việc có dấu hiệu vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

d) Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, công nghiệp và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

đ) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật thương mại, công nghiệp và các lĩnh vực khác theo phân công của Chi cục Quản lý thị trường;

e) Thực hiện chế độ thông tin, bảo cáo theo quy định và yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên có thẩm quyền;

g) Thực hiện công tác quản lý tài chính, tài sản, phương tiện hoạt động, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, ấn chỉ, trang thiết bị khác, lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Chi cục Quản lý thị trường;

h) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao".

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 42 Nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Chính phủ về quản lý phân bón:

“Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và chính sách đối với sản xuất phân bón vô cơ; chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động buôn bán phân bón trên địa bàn”.

Điều 3 Nghị định 108/2017/NĐ-CP giải thích từ ngữ đối với hoạt động buôn bán phân bón như sau:

“8. Buôn bán phân bón là việc thực hiện một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa phân bón vào lưu thông”.

Về chức năng, nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, theo quy định tại Điều 24 Luật Thanh tra năm 2010 là:

“1. Xây dựng kế hoạch thanh tra trình Giám đốc sở phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của Thanh tra sở; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở.

2. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhịệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của sở.

3. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của sở.

4. Thanh tra vụ việc khác do Giám đốc sở giao.

5. Hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, đơn vị thuộc sở thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra”.

Còn theo quy định tại Điểm b, c, d, Khoản 8, Điều 42 Nghị định 108/2017/NĐ-CP, trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh về công tác thanh tra, kiểm tra là:

“b) Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc công bố hợp quy phân bón của các tổ chức, cá nhân; kiểm tra việc thực hiện khảo nghiệm phân bón tại địa phương; tổng hợp danh sách các tổ chức, cá nhân đã đăng ký công bố hợp quy xác nhận nội dung quảng cáo phân bón.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về chất lượng phân bón cho các tố chức, cá nhân sản xuất, buôn bán và người tiêu dùng.

d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật. Định kỳ kiểm tra điều kiện buôn bán phân bón thuộc địa bàn quản lý theo quy định tại Nghị định này.

Tham gia phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành khác có liên quan trong kiểm, tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hoạt động sản xuất, buôn bán phân bón thuộc địa bàn quản lý”.

Có thể kế thừa kết quả thanh kiểm tra doanh nghiệp

Về Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tại Mục 1 của Chỉ thị có nêu: "Khi xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp, trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động Kiểm toán Nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, bảo đảm sự kế thừa kết quả, kiểm tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên”.

Tại Mục 3 Chỉ thị 20/CT-TTg quy định: “Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm.

Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra; trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; công chức thanh tra chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo các dấu hiệu đã được xác định là căn cứ để ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất”.

Đối với nội dung kiến nghị của Công ty TNHH Thủy Sinh Kim, căn cứ quy định tại Điều 3 và Khoản 3, Điều 42 Nghị định 108/2017/NĐ-CP thì Đội Quản lý thị trường địa phương không còn thẩm quyền thanh tra chuyên ngành cơ sở sản xuất phân bón: Kiểm tra hồ sơ pháp lý, giấy phép sản xuất phân bón, hóa đơn chứng từ nguyên liệu, thành phẩm, hồ sơ công bố hợp quy, hợp đồng gia công.

Các tổ chức, cá nhân phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu trong năm, Đội quản lý thị trường Hóc Môn thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động buôn bán phân bón đối với Công ty TNHH Thủy Sinh Kim theo đúng quy định của pháp luật thì Công ty Thủy Kim Sinh có quyền từ chối tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất được quy định tại Mục 3 Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Chinhphu.vn