Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Khám, chữa bệnh; Luật BHYT cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế và tạo hành lang pháp lý thu hút đầu tư phát triển y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân, tạo điều kiện để mọi người tham gia BHYT.
Theo cử tri, cần có cơ chế mới trong việc quản lý Quỹ BHYT, phải có cơ quan trung gian giám sát độc lập việc thực hiện khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT từ quỹ BHYT tránh tình trạng độc quyền như hiện nay
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Về việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật BHYT, hiện nay, Bộ Y tế đang thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 để sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật BHYT. Dự kiến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào năm 2019 và Dự án Luật BHYT sửa đổi sẽ xây dựng trong giai đoạn 2020 - 2021.
Về việc quản lý Quỹ BHYT, trong các lần dự thảo Luật BHYT mà Bộ Y tế trình Chính phủ, Quốc hội đều có đề xuất thành lập “Cơ quan giám định độc lập” để giám sát việc thực hiện khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT từ quỹ BHYT nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch giữa bên trả tiền và bên cung ứng dịch vụ, tuy nhiên nội dung này chưa được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận. Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này.
Chính sách BHYT của nước ta hiện nay là BHYT xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tổ chức BHYT là một cơ quan nhà nước, được giao nhiệm vụ quản lý quỹ và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Hiện nay, việc ký kết hợp đồng giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tổ chức BHYT được thực hiện theo các quy định, mẫu hợp đồng đã được quy định trong Luật BHYT và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật BHYT. Cơ quan BHXH đã thực hiện ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT trực tiếp với 2.094 cơ sở; thông qua ký hợp đồng với cơ sở y tế tuyến huyện để tổ chức khám chữa bệnh tại 9.887 trạm y tế xã, bao gồm cả cơ sở công lập và cơ sở tư nhân. Việc ký kết hợp đồng đều tuân thủ các quy định của pháp luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Y tế luôn tiếp thu các ý kiến của các bên có liên quan trong hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh để điều chỉnh hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Chinhphu.vn