Theo phản ánh của cử tri tỉnh Thái Nguyên, hiện nay người dân đi khám chữa bệnh hầu hết đều được kê thuốc ngoài danh mục thuốc BHYT nên không được hưởng quyền lợi khi tham gia BHYT, gây bức xúc cho người dân. Cử tri đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, mở rộng danh mục thuốc BHYT để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT sử dụng theo quy định của Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 bao gồm 1.064 thuốc (theo tên hoạt chất) với 27 nhóm thuốc như tim mạch, hocmon và thuốc tác động vào hệ thống nội tiết, ung thư, cơ xương khớp, kháng sinh… trong đó có đầy đủ các thuốc chuyên khoa, thuốc đặc trị, chi phí lớn (nhiều thuốc điều trị có chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng một tháng).
Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một trong số ít các nước có Danh mục thuốc BHYT rộng rãi, đáp ứng nhu cầu điều trị so với mức đóng BHYT. Danh mục này rộng hơn nhiều so với Danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới (khoảng 400 thuốc) và Danh mục thuốc BHYT của một số nước trong khu vực, có điều kiện kinh tế phát triển hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Sau 3 năm áp dụng, nhằm rà soát, cập nhật danh mục thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT, Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng Thông tư ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc tân dược thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT thay thế cho Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014. Trong đó, Bộ Y tế sẽ xem xét bổ sung thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị như thuốc gây mê, giải giãn cơ, đái tháo đường, ung thư, điều trị nấm,.. mở rộng hạng bệnh viện được sử dụng của thuốc, đặc biệt là thuốc cho bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh như lao, tâm thần, sản nhi; thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm cho trạm y tế xã.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc giao quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế đã trình Chính phủ bãi bỏ quy định giao quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho các cơ sở có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Chi phí thanh toán theo thực tế sử dụng, không vượt tổng mức thanh toán để sử dụng quỹ BHYT một cách hiệu quả.
Theo Chinhphu.vn