Người lao động nước ngoài đóng BHXH thế nào?

Ông Vũ Văn Việt (tỉnh Hải Dương) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp các thắc mắc sau:

Theo khoản 1 Điều 124 Luật BHXH, từ 1/1/2018 người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Vậy, đã có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về vấn đề này? Mức lương đóng thế nào, các khoản nào phải đóng?

Đối với lao động người Việt Nam, hiện công ty có các khoản ngoài lương được chi trả hàng tháng như sau: Trợ cấp chức danh (vị trí); trợ cấp kỹ năng văn phòng; trợ cấp độc hại; trợ cấp nhà ở; trợ cấp điện thoại; trợ cấp con nhỏ; trợ cấp đời sống (nếu có); thưởng chuyên cần; thưởng năng suất; hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật; hỗ trợ đào tạo Tiếng Anh. Hiện công ty đang đóng bảo hiểm theo mức: Lương cơ bản + trợ cấp chức danh + trợ cấp độc hại theo quy định. Vậy, sang năm 2018, Công ty phải đóng bảo hiểm những khoản nào?

Về vấn đề này, BHXH tỉnh Hải Dương trả lời như sau:

Lao động người nước ngoài: Theo Khoản 1 Điều 124 Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/2018 thì người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ và BHXH Việt Nam, khi nào có hướng dẫn cụ thể cơ quan BHXH sẽ tổ chức triển khai, hướng dẫn để đơn vị, người lao động thực hiện.

Tiền lương do đơn vị sử dụng lao động quyết định từ 1/1/2018: Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH, cụ thể như sau:

Mức tiền lương, tiền công: Theo thỏa thuận ghi trên hợp đồng lao động nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng BHXH đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường.

- Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;

- Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường;

- Mức tiền lương, tiền công này cao hơn 20 lần tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTNLĐ-BNN bằng 20 lần tháng lương cơ sở, mức đóng BHTN bằng 20 lần tháng lương tối thiều vùng.

Các loại phụ cấp lương phải đóng BHXH: Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Các khoản bổ sung khác phải đóng BHXH: Chỉ những khoản được xác định cùng với tiền lương, có tính ổn định sẽ được làm căn cứ tính đóng BHXH. Với các khoản bổ sung khác không xác định được ngay với mức lương và phụ thuộc vào kết quả lao động thì không tính đóng BHXH.

Các khoản chế độ và phúc lợi không phải đóng BHXH: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong Hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.

Theo Chinhphu.vn