Lĩnh vực hoạt động của Công ty là lắp ráp ô tô nhưng Công ty vẫn có một số hoạt động phụ trợ như lái xe nâng hàng hóa từ xe tải vào kho, vận chuyển rác; nhân viên vận hành máy nén khí… Trong quá trình xem xét xác định công việc nặng nhọc độc hại, Công ty chỉ xem xét lĩnh vực lắp ráp ô tô, xe máy theo Mục K Thông tư số 36/2012/TT- BLĐTBXH. Công ty đề nghị giải đáp, việc xác định công việc nặng nhọc độc hại này đã đầy đủ chưa? Công ty có cần xem xét các lĩnh vực khác bên ngoài lĩnh vực lắp ráp ô tô, xe máy như Mục D - giao thông vận tải tại Thông tư số 36/2012/TT- BLĐTBXH không?
Khi xác định một công việc là nặng nhọc độc hại, Công ty xem xét tên nghề, công việc có trùng với tên nghề, công việc được quy định trong danh mục văn bản pháp luật và đặc điểm về điều kiện của nghề, công việc nặng nhọc độc hại tương ứng. Công ty thực hiện như vậy có đúng không hay chỉ cần tên nghề hoặc công việc trùng với tên nghề hoặc công việc được quy định trong văn bản pháp luật là đủ để xác định công việc nặng nhọc độc hại?
Ngoài ra, hàng năm Công ty có thuê đơn vị độc lập đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP. Kết quả quan trắc chỉ ra các yếu tố khí hậu, vật lý, từ trường, bụi các loại, hơi khí độc và tâm sinh lý lao động - ergonomic tại tất cả các vị trí lao động đều trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép.
Công ty dựa vào kết quả nêu trên để đánh giá đặc điểm về điều kiện lao động của nghề, công việc nặng nhọc độc hại. Vậy, việc sử dụng kết quả này để đánh giá đặc điểm về điều kiện lao động khi xác định công việc nặng nhọc độc hại có đúng không? Nếu chưa thì căn cứ văn bản pháp luật nào để xác định đặc điểm về điều kiện lao động của công việc nặng nhọc độc hại? Đơn vị nào được phép làm việc này?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Việc áp dụng chức danh nghề, công việc đối với các nghề, công việc ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Công ty, theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trong quá trình xác định các nghề, công vỉệc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Công ty, ngoài lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, Công ty cần xem xét đến các lĩnh vực khác có liên quan đến toàn bộ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo mô tả điều kiện lao động.
Vì vậy, phải căn cứ vào tên nghề, công việc thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và đặc điểm điều kiện lao động của nghề, công việc được mô tả kèm theo để xác định nghề, công việc tương ứng tại Công ty có thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hay không.
Số đo môi trường lao động định kỳ như nêu tại câu hỏi của ông Vũ Đức Hùng chưa đủ thông tin để đánh giá điều kiện lao động theo Công văn số 2753/LĐTBXH- BHLĐ ngày 1/8/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Vì vậy, Công ty TNHH Ford Việt Nam cần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 2753/LĐTBXH-BHLĐ.
Theo Chinhphu.vn