Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Ngô, việc nộp hồ sơ tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện rất mất thời gian, ông Ngô đề nghị cho phép doanh nghiệp được gửi hồ sơ qua bưu điện để thuận tiện hơn cho doanh nghiệp. Trường hợp có sai sót thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội gửi email yêu cầu doanh nghiệp bổ sung.
Về vấn đề này, Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Về khai trình lao động: Theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động năm 2012; Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/1/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm (Nghị định số 03/2014/NĐ-CP); Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2014 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 03/2014/NĐ-CP (Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH) thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động người sử dụng lao động phải khai trình việc sử dụng lao động theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH.
Báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động: Theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động năm 2012; Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP; Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH thì người sử dụng lao động phải định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động 6 tháng (trước ngày 25/5) và hàng năm (trước ngày 25/11) theo mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH và gửi về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Về cách thức gửi báo cáo: Người sử dụng lao động có thể gửi báo cáo khai trình lao động, báo cáo tình hình thay đổi về lao động trực tiếp hoặc thông qua bưu điện đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Theo Chinhphu.vn