Theo ý kiến của bà Thúy, Nhà nước không nên tăng thu ngân sách bằng cách tăng thu thuế nhập khẩu trên nguyên liệu và tất cả nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất nên để thuế suất 0%, bởi nếu nguyên liệu mà cần nhập khẩu thì chắc chắn rằng nguyên liệu đó Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất chất lượng chưa đạt chuẩn. Do vậy, nếu để mức thuế suất 0% thì sẽ kích thích sản xuất thành phẩm tốt trong nước và Việt Nam có thể xuất khẩu được thành phẩm.
Bà Thúy cũng đề nghị tăng thu thuế nhập khẩu của thành phẩm để kích thích sản xuất trong nước và tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động. Bởi hiện nay, các mặt hàng thành phẩm tiêu dùng nhập khẩu thuế 0%, mà các nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng đó thì hoặc giá thành cao hoặc các biện pháp kiểm định, thủ tục nhập khẩu khó khăn. Ngoài ra, hải quan kiểm định nguyên liệu dẫn đến thời gian thông quan lâu, doanh nghiệp thương mại không thể xuất hóa đơn nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất. Do vậy, bà Thúy đề nghị cơ quan chức năng nên có biện pháp hỗ trợ cho ngành nhập khẩu.
Liên quan đến việc đóng thuế, theo bà Thúy nên tăng thu thuế TNCN với những đối tượng cho vay tiền nóng vì các đối tượng này có thể thu nhập 300 triệu đồng/tháng nhưng không đóng thuế. Trong khi đó, người lao động làm việc mất nhiều chất xám và sức lao động có thu nhập hơn 10 triệu đồng thì phải đóng thuế.
Ngoài ra, nên tăng thu thuế TNCN đối với cá nhân đầu tư bất động sản cho thuê. Theo bà Thúy nhiều người có nhà cho thuê, thu nhập từ 100 triệu đồng/tháng trở lên nhưng Nhà nước chưa có chính sách thu thuế từ thu nhập cá nhân này. Khi người thuê cần hóa đơn để làm chi phí thì họ không chịu đóng thuế và ép ngược người thuê phải đóng.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Thuế nhập khẩu giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô
Điều 10 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất như sau:
“1. Khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, ưu tiên loại trong nước chưa đáp ứng nhu cầu; chú trọng phát triển lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
2. Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và các cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Góp phần bình ổn thị trường và nguồn thu ngân sách Nhà nước.
4. Đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế.
5. Áp dụng thống nhất mức thuế suất đối với hàng hóa có cùng bản chất, cấu tạo, công dụng, có tính năng kỹ thuật tương tự; thuế suất thuế nhập khẩu giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô; thuế suất thuế xuất khẩu tăng dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô”.
Vì vậy, việc xây dựng các mức thuế suất nhập khẩu của hàng hóa, bao gồm cả nguyên liệu nhập khẩu phải theo các nguyên tắc nêu tại Luật như trên.
Tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và biểu thuế nhập khẩu thông thường, các mặt hàng là nguyên liệu phục vụ sản xuất loại trong nước chưa sản xuất được cơ bản có mức thuế suất thuế nhập khẩu là 0% hoặc mức thấp, cụ thể là tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành, số dòng thuế có thuế suất 0% là 3.031/9.471, 68 dòng thuế thuế suất là 2% và 565 dòng thuế có thuế suất là 3%.
Cùng với việc tham gia Hiệp định thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã ký kết 11 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong giai đoạn 2018-2025 nên phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ các nước đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (trong đó có nguyên liệu phục vụ sản xuất) sẽ bước sang giai đoạn giảm thuế suất nhập khẩu về 0%.
Ví dụ: Hiệp định ATIGA có 98,26% số dòng thuế giảm xuống 0% vào năm 2018; ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) có 90% số dòng thuế giảm xuống 0% vào năm 2018 và nhiều nhóm nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ các nước đối tác của Hiệp định Thương mại Tự do FTA có thuế suất là 0% từ 2018 trở đi.
Ngoài ra, tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016) quy định một số trường hợp miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư linh kiện trong nước chưa sản xuất được để giảm chi phí đầu vào cho các dự án đầu tư như:
- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư (Khoản 11, Điều 16).
- Các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất (Khoản 13, Điều 16).
- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được của dự án đầu tư để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất (Khoản 14, Điều 16).
Đồng thời để khuyến khích sản xuất sản phẩm xuất khẩu, Luật số 107/2016/QH13 cũng quy định miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu (Khoản 6, Điều 16); nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (Khoản 7, Điều 16).
Đối với thuế nhập khẩu của thành phẩm, việc quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng nhập khẩu đều phải theo đúng nguyên tắc quy định tại Điều 10 Luật Thuế nhập khẩu và phải phù hợp với mức cam kết của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam đã cam kết ngay từ khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức này (năm 2007).
Trong giai đoạn từ 2007 đến nay, các mặt hàng là thành phẩm mà trong nước đã sản xuất được đều được quy định ở mức cao nhất của cam kết WTO (Chính phủ Việt Nam không được quy định mức thuế suất cao hơn mức đã cam kết).
Việt Nam đã ký kết 11 Hiệp định FTA với mức độ tự do hóa thương mại cao.
Theo đó từ năm 2018 trở đi, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTAs) tại 11 Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Chính phủ để thực hiện các Hiệp định FTA sẽ giảm nhanh do vào giai đoạn cuối của lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu nên đã tạo ra mức chênh lệch giữa thuế suất FTAs của thành phẩm với thuế suất MFN của nguyên liệu. Đặc biệt là việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt xuống 0% theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong nội khối ASEAN (gọi tắt là Biểu thuế ATIGA), trong đó các mặt hàng nguyên liệu để sản xuất và mặt hàng thành phẩm tiêu dùng nhập khẩu từ các nước ASEAN đều có mức thuế suất ATIGA là 0%.
Đã đơn giản hóa nhiều thủ tục thông quan
Theo quy định của pháp luật hiện hành, một mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam ngoài việc tuân thủ chính sách thuế quy định cho hàng hóa nhập khẩu còn phải tuân thủ quy định về chính sách quản lý mặt hàng tại các pháp luật khác có liên quan.
Vì vậy, nhiều mặt hàng khi nhập khẩu phải theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành nên cần phải có giấy kiểm định hàng hóa theo quy định trước khi thông quan hàng hóa.
Hiện nay, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nói chung và hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu để phục vụ sản xuất nói riêng thực hiện theo quy định tại Luật Hải quan năm 2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 và quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, trường hợp hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra, phân tích, giám định để xác định có đủ điều kiện được nhập khẩu, cơ quan hải quan chỉ thực hiện thông quan hàng hóa sau khi xác định hàng hóa được nhập khẩu trên cơ sở kết luận kiểm tra, phân tích, giám định hoặc thông báo miễn kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có hàng hóa nhập khẩu làm nguyên liệu phục vụ sản xuất, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện nhiều biện pháp cải cách thủ tục hải quan. Cụ thể:
- Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai cơ chế một cửa quốc gia, Ngành Hải quan đã kết nối chính thức với 11/14 Bộ với 39 thủ tục hành chính góp phần giảm thời gian đi lại của doanh nghiệp.
- Tổ chức triển khai Hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACSS/VCIS), đến nay 100% các quy trình, thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc. Ngành Hải quan cũng đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 cho 126/178 thủ tục hành chính (đạt 70% số lượng thủ tục) trong đó có 123 thủ tục hành chính được cung cấp ở mức độ 4.
Trong thời gian tới ngành Hải quan tiếp tục triển khai Hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACSS/VCIS), đặt mục tiêu tới hết năm 2017 sẽ nâng cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 đối với 100% thủ tục hành chính nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Tính thuế với cá nhân cho vay tiền và cho thuê bất động sản
Về đề nghị tăng thuế TNCN với những người cho vay tiền nóng, căn cứ theo quy định tại Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 của Quốc hội và hướng dẫn tại Điểm a, Khoản 3, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, tiền lãi cá nhân nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay thuộc diện chịu thuế TNCN từ đầu tư vốn, với thuế suất 5% trên TNCN nhận được.
Theo hướng dẫn tại Điểm d, Khoản 1, Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì tổ chức, cá nhân trả tiền lãi vay cho cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN trước khi trả TNCN.
Trường hợp cá nhân có giấy phép hoạt động theo quy định, có đăng ký kinh doanh cho cá nhân vay thì cá nhân có trách nhiệm khai, nộp thuế từ hoạt động kinh doanh.
Về thuế TNCN với cá nhân đầu tư bất động sản cho thuê, căn cứ các quy định tại Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014, Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, cá nhân có phát sinh hoạt động cho thuê bất động sản thuộc diện khai, nộp lệ phí môn bài, thuế GTGT 5%, thuế TNCN 5% nếu có doanh thu từ hoạt động cho thuê bất động sản trên 100 triệu đồng/năm.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế thì cá nhân có bất động sản cho thuê có trách nhiệm tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm. Trường hợp cá nhân cho thuê bất động sản có dấu hiệu vi phạm trốn thuế, cơ quan thuế phát hiện thì sẽ xử lý theo quy định.
Tại Điểm 2.5, Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp quy định: “2.5. Chi tiền thuê tài sản của cá nhân không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ dưới đây:
- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản.
- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thoả thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền thuê tài sản và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân.
- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế GTGT, thuế TNCN) và doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp được tính vào chí phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay cho cá nhân”.
Như vậy, đối với doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân (nếu có trong trường hợp bên thuê là người nộp thuế thay). Để bảo đảm quyền lợi, khi giao kết hợp đồng thuê nhà, người thuê nhà cần thỏa thuận điều khoản ràng buộc các nghĩa vụ với bên cho thuê.
Trường hợp cá nhân và doanh nghiệp không có thỏa thuận nộp thuế TNCN thay thì doanh nghiệp vẫn được trừ các khoản chi phí thuê nếu có đủ hồ sơ xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản. Cá nhân có nghĩa vụ tự kê khai, nộp thuế theo quy định.
Để quản lý chặt chẽ việc thu nộp thuế TNCN đối với cá nhân đầu tư bất động sản, Bộ Tài chính đã ban hành quy trình quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản của cá nhân và từ tháng 11/2016, ngành Thuế đã triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khai, nộp thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê bất động sản.