Trường Đại học Y Dược TPHCM đã hoàn tất thủ tục thuyên chuyển công tác cho viên chức theo quy định của pháp luật thời điểm đó. Sau này, sang Công ty Xuất nhập khẩu Y tế II (Vimedimex II) chuyển đổi thành Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex, ông Lê Thanh Long làm Phó Giám đốc Công ty và thôi việc từ ngày 1/4/2016.
Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex gửi thông báo yêu cầu Trường Đại học Y Dược TPHCM chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông Long (từ ngày 1/5/1983 đến tháng 2/1998 = 14 năm 8 tháng làm tròn thành 15 năm) với số tiền là (7.800.000đ x 15)/2 = 58.500.000 đ gửi vào tài khoản của Công ty.
Đại diện Trường Đại học Y Dược TPHCM, ông Ngô Phương Bình đề nghị giải đáp, việc Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex yêu cầu Nhà trường chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông Long trong giai đoạn từ ngày 1/5/1983 - 2/1998 có đúng pháp luật không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Trong khoảng thời gian từ khi ông Lê Thanh Long được tuyển dụng vào làm việc tại Trường Đại học Y Dược TPHCM cho đến khi ông Long chuyển công tác đến Công ty XNK Y tế II (1/5/1983 - 13/1/1998) việc tuyển dụng và cho thôi việc đối với viên chức Nhà nước, làm việc lại cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước áp dụng theo Điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 24-CP ngày 13/3/1963 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) và Thông tư số 14-LĐ/TT ngày 21/6/1977 của Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
Theo quy định tại 2 văn bản quy phạm pháp luật này, vào thời điểm đó, trường hợp tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị Nhà nước làm việc lâu dài thì không áp dụng chế độ hợp đồng lao động và việc chuyển công tác từ cơ quan, đơn vị Nhà nước này sang cơ quan, đơn vị Nhà nước khác không coi là trường hợp thôi việc và không áp dụng chế độ trợ cấp thôi việc.
Cùng thời điểm này, Bộ luật Lao động năm 1994 (có hiệu lực từ ngày 1/1/1995) quy định, Bộ luật này được áp dụng đối với mọi người lao động, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, thuộc các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu. Riêng chế độ lao động đối với công chức, viên chức Nhà nước do các văn bản pháp luật khác quy định. Do đó, chế độ trợ cấp thôi việc quy định tại Bộ luật Lao động cũng không áp dụng đối với trường hợp viên chức Nhà nước chuyển công tác.
Trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc
Hiện nay, vào thời điểm ông Lê Thanh Long chấm dứt hợp đồng lao động (1/4/2016), việc trả trợ cấp thôi việc được quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó, khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10, Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Theo Khoản 3, Điều 15 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, trường hợp người lao động tiếp tục được sử dụng sau khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản theo phương án sử dụng lao động quy định tại Khoản 1 Điều này, khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm tính trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động đối với thời gian người lao động làm việc thực tế cho mình và trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động làm việc thực tế tại doanh nghiệp trước khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản, kể cả thời gian làm việc tại khu vực Nhà nước được tuyển dụng lần cuối vào doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản trước ngày 1/1/1995.
Căn cứ Khoản 1, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
Theo đó, việc Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex gửi thông báo yêu cầu Trường Đại học Y Dược TPHCM gửi vào tài khoản của Công ty này để chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Lê Thanh Long trong giai đoạn làm việc tại Trường Đại học Y Dược TP HCM từ ngày 1/5/1983 đến tháng 2/1998 = 14 năm 8 tháng (làm tròn thành 15 năm), với số tiền là (7.800.000đ x 15)/2 = 58.500.000đ, là không có cơ sở pháp luật.
Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 15 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, trường hợp ông Lê Thanh Long chuyển công tác đến làm việc tại Công ty XNK Y tế II từ ngày 13/1/1998, chấm dứt hợp đồng lao động ngày 1/4/2016, Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động đối với thời gian ông Long làm việc thực tế cho mình và trợ cấp thôi việc đối với thời gian ông Long làm việc thực tế tại Công ty XNK Y tế II trước khi chuyển từ công ty Nhà nước thành công ty cổ phần như hiện nay.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo Chính phủ