Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Sơn, công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, Điều 19 và Điều 25 Luật Bảo vệ môi trườngquy định, việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án do chủ dự án thực hiện và quyết định đánh giá tác động môi trường là cơ sở để quyết định chủ trương đầu tư. Cũng theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP về thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, tất cả các dự án theo phụ lục II Nghị định này đều phải đánh giá tác động môi trường trước khi lập chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, việc nhà đầu tư chưa biết mình có được lựa chọn làm nhà đầu tư hay không mà phải bỏ trước một khoản tiền rất lớn để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là khó khả thi vì có thể sẽ tạo rủi ro về chi phí đầu tư cho nhà đầu tư. Trong khi đó, theo Điều 32, Điều 33Luật Đầu tư, hồ sơ thẩm định chủ trương không yêu cầu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của cấp tỉnh.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Sơn đề nghị Chính phủ cho phép lập thủ tục đánh giá tác động môi trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và cấp giấy phép xây dựng theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải cách hành chính, để thuận lợi trong việc thẩm định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Quy định khác nhau về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
Hiện nay, quy định lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư có sự khác nhau giữa Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường, Quyết định phê duyệt ĐTM là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư.
Theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường được quy định tại Phụ lục II (Danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường), trong đó bao gồm các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Điều 31 Luật Đầu tư quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với nhiều loại dự án. Trên thực tế, các loại dự án này có nhiều mức độ tác động môi trường khác nhau, do vậy, việc làm rõ danh mục các dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường cao và danh mục dự án ít có nguy cơ tác động xấu tới môi trường là cần thiết, đảm bảo nhu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên theo quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư 2014, hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư không bao gồm Quyết định phê duyệt ĐTM, chỉ bao gồm Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường.
Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định cơ quan đăng ký đầu tư không được yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm giấy tờ khác ngoài giấy tờ quy định trong hồ sơ đăng ký đầu tư quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định này.
Nghiên cứu làm rõ nguy cơ tác động môi trường của các dự án
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 3453/BKHĐT-KHGDTNMT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý sửa đổi Luật Tài nguyên và môi trường 2014, trong đó có các kiến nghị liên quan như sau:
- Đề xuất bổ sung hướng dẫn về Báo cáo đánh giá tác động sơ bộ môi trường khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Kiến nghị bổ sung quy định về lập và thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, UBND tỉnh.
Tại Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/8/2017 của Chính phủ phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2017, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vướng mắc áp dụng quy định về thời điểm quyết định phê duyệt ĐTM trong Luật Bảo vệ môi trường. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì trả lời và cập nhật việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thời điểm quyết định phê duyệt ĐTM.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, làm rõ các trường hợp dự án có nguy cơ cao về tác động xấu tới môi trường và các dự án ít có nguy cơ tác động xấu tới môi trường để trình Chính phủ chỉ đạo chung theo hướng: Các dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường chỉ cần có đánh giá sơ bộ về môi trường trong hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về đầu tư; và những dự án có nhiều nguy cơ tác động xấu đến môi trường bắt buộc phải có ĐTM và có Quyết định phê duyệt ĐTM trong hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật về môi trường.
Theo Chinhphu.vn