Tính đến thời điểm này, Viettelimex đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 100% đối với khoản nợ của Công ty A. Viettelimex đã nhận được công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục Thuế xác định như sau:
- Công ty A tính đến thời điểm hiện tại chưa đăng ký thủ tục giải thể hay sáp nhập, chia tách;
- Công ty A không còn hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế và còn nợ thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
Do đó, Viettelimex xác định khoản nợ của Công ty A là khoản nợ không có khả năng thu hồi và dự kiến sẽ thành lập Hội đồng xử lý nợ và ra quyết định xóa nợ đối với khoản nợ trên theo Khoản 4, Điều 6 Thông tư số 228/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, bà Quỳnh hỏi, việc xóa nợ cho Công ty A đã đủ cơ sở chưa? Trường hợp chưa đủ cơ sở thực hiện, đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn thêm thủ tục để Viettelimex có đủ căn cứ xử lý.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Tại Khoản 4, Điều 6 Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp quy định xử lý tài chính đối với khoản nợ không có khả năng thu hồi:
“a) Nợ phải thu không có khả năng thu hồi bao gồm các khoản nợ sau:
- Đối với tổ chức kinh tế:
+ Khách nợ đã giải thể, phá sản: Quyết định của Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo Luật Phá sản hoặc quyết định của người có thẩm quyền về giải thể đối với doanh nghiệp nợ, trường hợp tự giải thể thì có thông báo của đơn vị hoặc xác nhận của cơ quan quyết định thành lập đơn vị, tổ chức.
+ Khách nợ đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả: Xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức đăng ký kinh doanh về việc doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán…
b) Xử lý tài chính:
Tổn thất thực tế của từng khoản nợ không thu hồi được là khoản chênh lệch giữa nợ phải thu ghi trên sổ kế toán và số tiền đã thu hồi được…
Giá trị tổn thất thực tế của khoản nợ không có khả năng thu hồi, doanh nghiệp sử dụng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi, quỹ dự phòng tài chính (nếu có) để bù đắp, phần chênh lệch thiếu hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.
Các khoản nợ phải thu sau khi đã có quyết định xử lý, doanh nghiệp vẫn phải theo dõi riêng trên sổ kế toán và được phản ánh ở ngoài bảng cân đối kế toán trong thời hạn tối thiểu là 10 năm, tối đa là 15 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ. Nếu thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi sau khi trừ các chi phí có liên quan đến việc thu hồi nợ, doanh nghiệp hạch toán vào thu nhập khác”.
Theo quy định nêu trên thì khoản nợ không có khả năng thu hồi được xử lý khi khách nợ là tổ chức đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả phải được cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh xác nhận là tổ chức đã ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán.
Tuy nhiên, theo thông tin tại nội dung câu hỏi của bà Quỳnh thì Công ty A không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa bàn nhưng chưa nêu Công ty A đã được xác nhận của tổ chức đăng ký kinh doanh xác nhận khách nợ đã ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán.
Vì vậy, khoản nợ phải thu khó đòi của Công ty Viettelimex đối với khoản tiền bán thép cho Công ty A chưa đủ điều kiện để xử lý tài chính mà vẫn tiếp tục theo dõi, đôn đốc thu hồi khoản nợ này theo quy định đối với các khoản nợ không có khả năng thu hồi.
Theo Chinhphu.vn