Theo ý kiến của ông Hào, để nông nghiệp Việt Nam phát triển, giá thành sản phẩm hạ, chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm cần vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước thông qua công cụ chính sách vĩ mô. Do vậy, ông Hào đề xuất thực hiện một số giải pháp như sau:
Trước tiên là quy hoạch định hướng vùng trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ngắn ngày có lợi thế tự nhiên, có hiệu quả, có lợi thế so sánh với giá thành thấp, chất lượng cao với ưu thế tự nhiên so với vùng khác và so với thế giới.
Thứ hai, xây dựng quỹ trợ giá để bình ổn, giữ vững quy hoạch vùng, ổn định sản phẩm bằng hình thức hàng rào kỹ thuật. Những lúc sản phẩm có giá đột biến cao hơn nhiều so với giá thành thì Nhà nước nên đánh thuế xuất khẩu để xây dựng quỹ bình ổn giá.
Giải pháp tiếp theo ông Hào đưa ra là xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm sạch cho từng vùng cơ cấu cây công nghiệp có lợi thế, để giá thành hạ, chất lượng cao, có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế, đẩy nhanh việc chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, vì cơ bản sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang xuất thô chiếm tỷ trọng cao mà giá trị gia tăng rất thấp.
Ông Hào cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, các ngành, các viện nghiên cứu, tiếp cận, nhập giống tốt, năng suất cao, lai tạo các loại giống thương hiệu Việt Nam và chịu trách nhiệm cung cấp giống cho dân. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nặng những cơ quan, tổ chức buôn bán giống, phân bón không bảo đảm chất lượng.
Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo có hiệu quả giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân, hạn chế thấp nhất khâu lưu thông dịch vụ lòng vòng đẩy giá, ép giá nông dân.
Đồng thời, cũng cần làm tốt công tác dự đoán, dự báo cung - cầu cho tất cả các ngành, không riêng gì về nông nghiệp. Giao cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trong khảo sát, quy hoạch, hỗ trợ, tạm trữ… cho nông dân. Không phải chỉ đơn thuần làm hành chính sự nghiệp, để tránh tình trạng dân “bơi giữa biển”, rơi vào vòng xoáy chặt trồng, trồng chặt, được mùa mất giá, được giá mất mùa…
Về những vấn đề ông Hào đề xuất, góp ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực triển khai công tác quy hoạch nông nghiệp và chủ động phối họp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cụ thể:
Quy hoạch nông nghiệp là công cụ quản lý, định hướng sản xuất
Về công tác quy hoạch nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn coi đây là công cụ để quản lý, định hướng chỉ đạo sản xuất.
Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5/8/2008 của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; để định hướng lâu dài cho phát triển nông nghiệp, làm cơ sở cho việc bố trí sản xuất phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai của mỗi vùng, miền, địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 (Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 2/2/2012); tiến hành lập và phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 7 vùng kinh tế - sinh thái, quy hoạch các lĩnh, vực (thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp...) và các ngành hàng, sản phẩm cụ thể như: lúa gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, mía đường, rau quả,…
Các quy hoạch trên đã được xây dựng trên cơ sở phát huy lợi thế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa tại các vùng, miền, gắn với thị trường tiêu thụ; trong đó, xác định rõ các mục tiêu, đưa ra các phương án bố trí sản xuất, các nhiệm vụ ưu tiên và các giải pháp phù hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng biến động thị trường nông sản trong nước và trên thế giới trong dài hạn.
Căn cứ vào các quy hoạch ngành đã được phê duyệt, Bộ đã chỉ đạo các tỉnh/thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các quy hoạch chi tiết cho từng địa phương để phát huy các thế mạnh, sản xuất ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và thực tiễn sản xuất của từng địa bàn.
Xây dựng nhiều chính sách tạo động lực cho phát triển nông nghiệp
Để tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, duy trì giá bán nông sản có lợi cho người nông dân,.... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, cụ thể:
Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách thu hút nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn như Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn...; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 8/1/2010 về khuyến nông, Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và số 89/2015/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản...
- Về chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ mua sắm máy móc để nâng cao năng lực chế biến, hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ trong thời điểm thị trường khó khăn, giá giảm để bình ổn giá; đàm phán với các nước, các tổ chức quốc tế ký kết các hiệp định song phương, đa phương để mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông sản,...
- Về phát triển thị trường: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại.
Hàng năm, thông qua Chương trình Xúc tiến thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm nông sản Việt Nam ở trong nước và quốc tế; tiến hành đàm phán giải quyết các rào cản kỹ thuật với các nước nhập khẩu nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn các địa phương xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý các sản phâm nông sản.
Đến nay, Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều chương trình xây dựng thương hiệu như: Chương trình thương hiệu quốc gia Chè Việt Nam 2004; Chương trình thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2012; Chương trình thương hiệu quốc gia Gạo Việt Nam 2015, Chương trình thương hiệu thực phẩm quốc gia. Nhiều địa phương (như An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Đắk Nông, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Hải Dương,...) đã xây dựng các chương trình, đề án, chính sách phát triển thương hiệu, xây dựng nhãn hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm vùng miền. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các thương hiệu riêng của doanh nghiệp (như các doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo,...).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối họp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai “Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực Việt Nam đến năm 2020” nhằm định hướng, hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản; xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển thương hiệu sản phẩm của địa phương và doanh nghiệp một cách đồng bộ và thống nhất....
Có thể khẳng định, các chính sách và giải pháp ban hành đã tác động tích cực đến sản xuất, tiêu thụ nông sản và bảo đảm lợi ích cho người nông dân. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch sản xuất, triển khai chính sách còn có khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, Việt Nam đang chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước chủ yếu sử dụng công cụ pháp luật, các chính sách, cơ chế phát triển ngành và hỗ trợ trong một số lĩnh vực hạ tầng, khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực và thông tin... Quy hoạch phát triển sản xuất không phải là chỉ tiêu pháp lệnh mà mang tính định hướng.
Các địa phương, người dân căn cứ vào định hướng đó tự chủ, quyết định đầu tư sản xuất kinh doanh phù hợp, Chính phủ, các bộ, ngành không thể giao kế hoạch pháp lệnh cho địa phương sản xuất bao nhiêu diện tích, bao nhiêu sản lượng được. Vì vậy, mặc dù Bộ đã tích cực phối hợp với các địa phương, các bộ, ngành hướng dẫn, chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy hoạch nhưng do thiếu chế tài để quản lý nên hiệu quả quản lý quy hoạch chưa cao, trên thực tế ở một số địa phương tình trạng phát triển sản xuất tự phát, phá vỡ quy hoạch vẫn diễn ra.
Hiện nay, nông nghiệp nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường hướng mạnh ra xuất khẩu và cạnh tranh quốc tế, nên việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thị trường, có lúc, có nơi đã xảy ra tình huống cung vượt cầu, hàng hóa bị tồn đọng, giá giảm hoặc “được mùa mất giá” như ông Hào đã nêu là khó tránh khỏi.
Như vậy, có thể nói những vấn đề mà ông Hào phản ánh, góp ý đều đã được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương nghiên cứu, tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, kết quả còn chưa được như mong muốn và thực tế còn nhiều bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do:
- Chưa có chế tài, quy tắc đủ mạnh để thực hiện quy hoạch nên người sản xuất có xu hướng phá vỡ quy hoạch, phát triển tự phát khi thị trường thuận lợi, được giá.
- Các mối liên kết tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo; hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ chưa trở thành chủ đạo, chưa thu hút được nhiều nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là trong việc tạo ra sự kết hợp đầu tư giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu.
- Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao nên khó tạo được khối lượng sản phẩm hàng hóa có chất lượng và độ đồng đều đáp ứng nhu cầu thị trường; có thương hiệu nông sản mạnh.
- Công tác dự báo thị trường, phát triển thị trường còn hạn chế.
6 giải pháp khắc phục bất cập về quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ nông sản
Để khắc phục những bất cập trong công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản, thời gian tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu sau:
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu:
Tiếp tục rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch sản xuất từng lĩnh vực và lợi thế của từng địa phương, tính đến nhu cầu thị trường (trong nước và thế giới) và ứng phó với biến đổi khí hậu; cơ cấu lại sản phẩm theo 3 nhóm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm vùng/miền.
- Phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản: Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung các chính sách: khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến nông lâm thủy sản, hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với tiêu thụ nông sản; giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để phù hợp với thực tiễn hơn, tác động mạnh và hiệu quả hơn.
Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các địa phương triển khai mạnh mẽ Chương trình tín dựng ưu đãi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao (“Gói tín dụng” 100.000 ngàn tỷ đồng), hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất chế biến nông sản.
- Tổ chức lại hệ thống thương mại nông sản, phát triển các kênh bán buôn, bán lẻ để phát triển mạnh thị trường nội địa: Tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích tiêu dùng nội địa; hỗ trợ người sản xuất xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc nông sản.
Chỉ đạo các địa phương tổ chức lại hệ thống thương mại quy củ hơn, nhất là lực lượng thương lái để họ thực sự là cánh tay nối dài của các tổ nhóm, hợp tác xã hoặc của doanh nghiệp; khuyến khích thương lái hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản để đem lại giá trị cao và bền vững hơn.
Nghiên cứu, đề xuất các hình thức bình ổn giá nông sản để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, trong đó có quỹ bình ổn… Theo quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng quỹ bình ổn, bảo hiểm ngành hàng là cần thiết. Nhưng việc thành lập quỹ bình ổn giá phải dựa trên cơ sở Luật Giá đối với các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá và các quy định về thành lập quỹ liên quan.
- Phát triển mạnh thị trường xuất khẩu: Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Cập nhật các thông tin về chính sách thương mại của các đối tác, các thị trường nhập khẩu; phát hiện nhanh và giải quyết kịp thời những rào cản thương mại, kỹ thuật để hỗ trợ tốt nhất cho nông sản xuất khẩu...
Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản, nhất là đối với các nông sản chủ lực như gạo, cà phê, tiêu, điều, một số sản phẩm trái cây...
- Phát huy vai trò của Hiệp hội ngành hàng, nắm bắt nhu cầu, khả năng tiêu thụ của thị trường để góp phần điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sản xuất.
- Nâng cao năng lực hệ thống thông tin thị trường; phát triển nghiên cứu và dự báo cung cầu, quy mô và đặc điểm của từng loại thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp; tố chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối giữa thị trường trong nước với quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin thông tin và trao đổi để ông Hoàng Hào biết; những ý kiến của ông, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo trong quá trình quản lý và chỉ đạo phát triển ngành.