Ông Hùng hỏi, các chế độ của ông trong thời gian ở quân đội được tính như thế nào? Có thể sử dụng mức lương trong thời gian ở quân đội làm căn cứ tính lương hưu không? Ông đóng BHXH từ năm 1991 đến nay, vì sức khỏe yếu nên ông muốn xin nghỉ hưu sớm. Công ty đồng ý cho ông nghỉ nhưng bắt ghi trong đơn xin nghỉ là không đề nghị về chế độ trợ cấp thôi việc, như vậy có đúng quy định không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động và khoản 1, Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 Điều 36 và người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Lao động.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Theo khoản 2, Điều 38 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 và khoản 3, Điều 8 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì đối với doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước khi chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động có thời gian làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước và chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp nhà nước trước ngày 1/1/1995 nhưng chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp một lần trước khi phục viên, trợ cấp xuất ngũ đối với người lao động có thời gian làm việc ở đơn vị thuộc lực lượng vũ trang thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và chi trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động đã làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước trước đó.
Thời gian làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995 bao gồm: Thời gian người lao động làm việc thực tế tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thời gian làm việc tại doanh nghiệp nhà nước khác.
Như vậy, đối chiếu với nội dung câu hỏi của ông Hùng thì trường hợp ông thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với công ty theo khoản 3, Điều 36 Bộ luật Lao động thì công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho ông theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động. Trường hợp, ông có thời gian làm việc trong quân đội và chuyển về doanh nghiệp nhà nước trước ngày 1/1/1995 nhưng chưa nhận trợ cấp một lần trước khi phục viên thì công ty cổ phần (cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước) có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho ông theo quy định tại khoản 2, Điều 38 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 và khoản 3, Điều 8 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 nêu trên.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi ông thôi việc tại công ty cổ phần.
Theo Chinhphu.vn