Ông Thanh có 2 người con. Nay, ông làm thủ tục tặng cho con gái nhưng người con trai không nhất trí ký vào văn bản tặng cho nên ông không thể thực hiện tiếp thủ tục. Ông Thanh hỏi, để chứng minh mảnh đất nêu trên là tài sản bố mẹ cho tặng cá nhân ông thì cần giấy tờ, thủ tục như thế nào?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Thanh như sau:
Vào thời điểm năm 1998, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo Thông tư số 346/1998/TT-TCĐC ngày 16/3/1998 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo hướng dẫn của Thông tư này, đối tượng đăng ký đất ban đầu, xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Người chịu trách nhiệm kê khai, đăng ký đất đai bao gồm: Chủ hộ hoặc người được chủ hộ uỷ quyền thay mặt cho hộ gia đình; cá nhân hoặc người được uỷ quyền hợp pháp.
Tên chủ sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận ghi tại dòng kẻ sẵn sát dưới dòng chữ "chứng nhận" .
- Đối với hộ gia đình cần ghi rõ: Hộ ông (bà) và tên của chủ hộ, tên của chủ hộ gia đình phải ghi đầy đủ họ và tên theo đúng khai sinh.
- Đối với cá nhân cần ghi rõ: Ông (bà) và tên của người được cấp giấy chứng nhận, phải ghi đủ họ và tên theo đúng khai sinh.
Tên chủ sử dụng ghi trong Giấy chứng nhận phải thống nhất với tên ghi trên đơn xin đăng ký quyền sử dụng và tên ghi trong sổ địa chính.
Chủ sử dụng đất là hộ gia đình và cá nhân phải ghi thêm số Chứng minh nhân dân của chủ hộ hoặc cá nhân.
Trường hợp ông Nguyễn Văn Thanh phản ánh, ông được bố mẹ cho một mảnh đất khi chưa được cấp Giấy chứng nhận. Đây là tài sản mà ông được bố mẹ cho tặng riêng cá nhân ông. Năm 1998, UBND huyện ra quyết định công nhận quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận nhưng tại phần thông tin người sử dụng đất lại ghi: Hộ ông Nguyễn Văn Thanh, không phải là ông Nguyễn Văn Thanh.
Nếu thông tin ông Thanh cung cấp là đúng sự thật, thì việc ghi không đúng chủ sử dụng đất trên giấy chứng nhận có thể từ việc kê khai chưa đúng vào hồ sơ đăng ký đất ban đầu, xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có sai sót của cơ quan chức năng trong việc ghi Giấy chứng nhận sử dụng đất.
Việc ghi không đúng chủ sử dụng đất làm ảnh hưởng đến quyền của người sử dụng đất trong việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất, cần được đính chính lại.
Khoản 1, Điều 106 Luật Đất đai quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
- Có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người đó.
- Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.
Thủ tục đính chính Giấy chứng nhận
Theo Điều 86 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, thủ tục đính chính Giấy chứng nhận đã cấp như sau:
Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính.
Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính.
Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Trường hợp đính chính mà người được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai trình cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Để được đính chính thông tin chủ sử dụng đất trên Giấy chứng nhận hoặc đổi Giấy chứng nhận ghi đúng tên chủ sử dụng đất, ông Thanh cần có đơn đề nghị đính chính và yêu cầu đổi Giấy chứng nhận mới kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận năm 1998 thuộc quyền sử dụng của riêng cá nhân ông, do được cha mẹ tặng cho riêng cá nhân ông, chứ không phải tặng cho hộ gia đình ông, như thông tin thể hiện trên Sổ mục kê, Sổ địa chính tại địa phương, giấy tờ tặng cho đất, có xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất, gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai xem xét giải quyết.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo chính phủ