Ông Út cho rằng, cần tạo những cơ chế cụ thể, văn bản hay biểu mẫu với các tiêu chí đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế hay người dân hiểu và thực hiện đầy đủ.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Út, hiện có nhiều thủ tục còn nhiêu khê trong việc xem xét chấp thuận bán phần vốn góp doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài.
Khi nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư tiến tới cấp giấy đăng ký doanh nghiệp thì việc cấp mã cho việc cấp giấy đăng ký kinh doanh mất nhiều thời gian.
Ông Út đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét các bất cập ông nêu, có biện pháp giải quyết để môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Về việc thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp, Khoản 2, Khoản 3, Điều 34 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định, trước khi sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu, thay đổi số lượng con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp gửi thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở để đăng tải thông báo về mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Khi nhận thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Hiện nay, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu và thông báo tài khoản ngân hàng trực tiếp tại phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh hoặc thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Đang nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP nêu trên thì một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh là trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Đồng thời, Khoản 5 Điều này quy định, phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh; hướng dẫn doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP và Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐTngày 1/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Các mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT nêu trên.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 28 Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh.
- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 của Luật này.
- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ.
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu xây dựng Hệ thống hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, Hệ thống sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc soạn thảo và chuẩn bị tất cả các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thông qua mạng điện tử, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Đã rút ngắn thời gian cấp mã số doanh nghiệp
Nhằm rút ngắn thời gian cấp mã số doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, ngày 23/2/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn việc trao đổi thông tin về doanh nghiệp giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống thông tin thuế. Việc thực hiện Thông tư liên tịch nêu trên đã giúp cho quá trình cấp mã số doanh nghiệp được rút ngắn hơn nhiều so với trước đây.
Về các ý kiến góp ý khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận để xem xét, nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký doanh nghiệp trong thời gian tới.