Đơn vị của ông Cấn Hoan đang thi công gói thầu xây lắp một tuyến đường do UBND TP. Hà Nội quyết định đầu tư, UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư, giá trúng thầu là 25 tỷ đồng. Trong quyết định phê duyệt dự án, quy mô đầu tư chỉ ghi chung là cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến đường theo quy hoạch được duyệt gồm nền đường, mặt đường, thoát nước với chiều dài đoạn tuyến là 4,24 km.
UBND huyện được ủy quyền phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của dự án nêu trên.
Trong quá trình thi công có bổ sung một số cống thoát nước ngang đường, đoạn rãnh và kè nền đường (phát sinh so với quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán). Giá trị phần phát sinh là 1,4 tỷ đồng. Việc phát sinh không làm thay đổi tuyến chính, không thay đổi mục tiêu đầu tư, không thay đổi địa điểm đầu tư và không vượt tổng mức đầu tư.
Ông Hoan hỏi, việc phát sinh này có cần điều chỉnh dự án không hay chỉ điều chỉnh bổ sung thiết kế? Có áp dụng được Khoản 2, Điều 17 Thông tư số 18/2016/TT-BXD không?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hoặc vốn Nhà nước ngoài ngân sách thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 61 của Luật Xây dựng.
Việc điều chỉnh khối lượng phát sinh thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
Trường hợp điều chỉnh thiết kế, dự toán xây dựng công trình thì thực hiện theo quy định tại Điều 84 của Luật Xây dựng và Điều 11 của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Chủ đầu tư được quyết định việc điều chỉnh thiết kế, dự toán xây dựng công trình khi việc điều chỉnh này không dẫn đến phải điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 2, Điều 17 Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình và quy định tại Điều 84 Luật Xây dựng.