Đề xuất Chính phủ có chính sách thu hút doanh nghiệp xã hội hoặc có chương trình cho vay lãi suất thấp để cải thiện môi trường sống cho dân Việt Nam và cho doanh nghiệp, cần tăng phí môi trường nước và rác ở đô thị thành phố (trừ huyện nghèo, xã nghèo, vùng đặc biệt khó khăn) hoặc vay vốn để xử lý chất thải, đảm bảo môi trường tốt mới thu hút được khách du lịch. Vì ngành du lịch là ngành mũi nhọn mà sản xuất bẩn, nước bẩn, rác bẩn, không khí hít thở bẩn thì không ai đến để du lịch, người dân bị ung thư và các mầm bệnh chưa phát, chưa biết là bao nhiêu nữa trong 5-10 năm tới chỉ có gia tăng thêm, rất cần có giải pháp kéo giảm xuống nêu không đầu tư từ hôm nay. Xây dựng chiến lược môi trường biển Việt Nam: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Vũng Tàu, Mũi Né… thành những “Bãi biển sạch”. Các thành phố lớn chưa có giải pháp tích cực hơn để xử lý rác và ô nhiễm không khí, nếu giải quyết tốt các vấn đề nói trên thì mới thu hút được đầu tư và khách du lịch quốc tế.

  1. a) Về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải

         Ngày 16/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí BVMT đối với nước thải và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Theo đó, Nghị định số 154/2016/NĐ-CP (so với Nghị định số 67/2003/NĐ-CP) đã điều chỉnh tăng mức phí BVMT đối với nước thải công nghiệp áp dụng đối với các chất gây ô nhiễm có trong nước thải như Biểu sau:

          Stt

Chất gây ô nhiễm

 Mức thu (đồng/kg)

 

Nghị định số 67/2003/NĐ-CP

Nghị định số 154/2016/NĐ-CP

1

Nhu cầu ô xy hoá học (COD)

300

2.000

2

Chất rắn lơ lửng (TSS)

400

2.400

3

Chì (Pb)

500.000

1.000.000

4

Arsenic (As)

1.000.000

2.000.000

5

Cadmium (Cd)

1.000.000

2.000.000

         Đối với mức phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt, Nghị định số 154/2016/NĐ-CP đã điều chỉnh theo hướng: chỉ quy định mức phí tối thiểu (10%) trên giá bán nước sạch. Trường hợp cần thiết áp dụng mức phí cao hơn do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương.

         Ngoài ra, để tăng cường xã hội hóa và thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 đối với hoạt động này. Theo đó, các địa phương có dự án đầu tư về thoát nước và xử lý nước thải sẽ thu từ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình xả nước thải vào hệ thống thoát nước theo cơ chế giá dịch vụ.

  1. b) Về phí rác thải ở đô thị, thành phố

         Ngày 24/4/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu. Theo đó, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở đô thị, thành phố thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ.

         Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017) đã quy định chuyển phí BVMT đối với chất thải rắn, phí vệ sinh sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá.

         Như vậy, so với trước đây, việc thu phí BVMT đối với chất thải rắn và phí vệ sinh (rác thải) là thực hiện theo quy định của Luật Giá. Theo đó, sẽ khuyến khích và thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải và gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xả thải với nhiệm vụ BVMT.