*.Về việc giải đáp chính sách thuế:
Căn cứ quy định tại Điều 6, Điều 8 Luật Quản lý thuế thì cơ quan thuế có nghĩa vụ trả lời, hướng dẫn chính sách thuế theo đề nghị của người nộp thuế. Cơ quan thuế thường xuyên rà soát quy định của pháp luật để hoàn thiện chính sách thuế theo hướng minh bạch, công bằng với người nộp thuế; tăng tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế mới tới cán bộ thuế và người nộp thuế để chính sách thuế được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang xây dựng quy trình và chế độ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thuế các cấp trong việc tiếp nhận, trả lời vướng mắc của người nộp thuế. Đồng thời, đang tổ chức biên soạn các tài liệu hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ thuế và cung cấp trên Cổng thông tin dịch vụ của cơ quan thuế theo từng nhóm thủ tục, từng nhóm đối tượng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện thống nhất; tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.
* Về tính tiền chậm nộp tiền thuế, phí đối với trường hợp thanh tra lại:
Theo quy định của Luật Quản lý thuế thì người nộp thuế có nghĩa vụ khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ khai thuế. Do đó, trường hợp người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính thuế thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước phát hiện người nộp thuế kê khai, nộp thuế chưa đúng quy định của pháp luật về thuế, kiến nghị cơ quan thuế xử lý thì cơ quan thuế căn cứ quy định của pháp luật để xử lý đối với hành vi vi phạm hành chính của người nộp thuế.
Cơ quan thuế thanh tra lại trong một số trường hợp như: do phát hiện có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra; có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của người nộp thuế… Trường hợp qua quá trình thanh tra lại, cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính thuế thì người nộp thuế bị xử lý theo quy định của pháp luật.