Đã phân cấp thẩm định dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, ông Lập đề nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát, giảm bớt thủ tục hành chính đối với quy trình đầu tư công, đặc biệt là với các dự án có vốn ngoài ngân sách, giúp cho các dự án được đẩy nhanh tiến độ.

Đồng thời, nên cho địa phương thay Bộ Xây dựng thẩm định các dự án có quy mô trên 20 tầng, 5 tầng có quy mô diện tích sàn lớn để tránh gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ý kiến của ông Lập, việc quy định phải xây thô cho các dự án nhà ở rồi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã vô tình tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không cấp sổ đỏ cho người mua nhà mà đi cầm cố tại ngân hàng, gây mất quyền sở hữu đất khi mua hoặc chủ đầu tư bán qua lại cho nhiều người gây tranh chấp. Ông Lập kiến nghị nên bỏ quy định xây thô mới cấp chủ quyền, cấp sổ đỏ cho các dự án nhà ở như trước đây và quản lý thông qua quy hoạch được duyệt.

Đối với các đồ án quy hoạch xây dựng, ông Lập cho rằng thủ tục thẩm định, lấy ý kiến các Bộ, Sở ngành, người dân,... hiện còn nhiêu khê, tốn thời gian. Việc các Viện của Bộ Xây dựng được lập, thẩm định quy hoạch vùng, quy hoạch chung các đô thị,... khiến đồ án không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều lần, gây chậm, khó cho các đồ án 1/2000, các dự án đầu tư... ông Lập kiến nghị giao địa phương nhiều quyền hơn về quy hoạch, Bộ Xây dựng chỉ nên quản lý Nhà nước về tổng thể, thanh tra, kiểm tra. Chính phủ cũng nên xem xét thêm về Luật Quy hoạch đang trình vì có nhiều điểm không khả thi...

Ngoài ra, ông Lập góp ý điều chỉnh thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng để tránh thiếu công bằng giữa người giỏi chuyên môn với người kém chuyên môn nhưng nắm vững luật, người hành nghề lâu năm và mới, người hành nghề trong nước và nước ngoài, sự độc quyền của các Viện quy hoạch kiến trúc của Bộ Xây dựng do điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề hạng 1, 2, 3...

Về những vấn đề ông Lập kiến nghị, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Việc thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ thực hiện đối với công trình có quy mô lớn, công trình từ cấp III trở lên có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng và môi trường.

Để tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ đã phân cấp cho cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư hoặc tập đoàn, tổng công ty thẩm định.

Điều 7 Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định về hình thức tiếp nhận hồ sơ theo đường bưu điện và đồng thời Nghị định số 42/2017/NĐ-CP đã phân cấp thẩm định đối với công trình có quy mô 25 tầng trở xuống cho các Sở Xây dựng tại địa phương thực hiện; Nghị định này cũng đã phân cấp thẩm định cho cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương thẩm định các dự án do TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quyết định đầu tư.

Về việc cấp chủ quyền của các dự án, công trình, pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản hiện hành không có quy định bắt buộc các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở phải xây thô nhà ở thì mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo quy định của pháp luật về đất đai thì chủ đầu tư dự án được quyền đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án khi đáp ứng được các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đồng thời, theo quy định của pháp luật về nhà ở và đất đai hiện hành thì chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở được quyền bán nhà ở thương mại trong dự án cho người mua nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở được cấp trực tiếp cho người mua nhà.

Pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý phát triển đô thị hiện hành đã có quy định cụ thể trong một số trường hợp chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng cho người dân để tự xây dựng nhà ở theo đúng quy hoạch và thiết kế được duyệt.

Lấy ý kiến khi lập quy hoạch để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất

Về thẩm định, lấy ý kiến đối với các đồ án quy hoạch xây dựng, việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình lập quy hoạch là cần thiết nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, là quyền lợi và trách nhiệm của các đối tượng có liên quan.

Việc lấy ý kiến cũng nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch, chiến lược chuyên ngành và kế hoạch thực hiện của các ngành.

Theo quy định tại Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị, các Viện nghiên cứu của Bộ không có thẩm quyền tổ chức lập, thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng. Việc tham gia lập quy hoạch được thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu.

Đối với dự thảo Luật Quy hoạch, hiện nay, Bộ Xây dựng đã có văn bản và đóng góp ý kiến trực tiếp tại các cuộc họp UBTVQH, hội thảo về nội dung Luật Quy hoạch và đề nghị xem lại tính khả thi của Luật.

Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng: Đã thuận tiện và công bằng

Về nội dung liên quan đến quy định cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 149 Luật Xây dựng năm 2014, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề phải đáp ứng được đồng thời các điều kiện về trình độ chuyên môn, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ và đã qua sát hạch kiểm tra kinh nghiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.

Việc quy định chứng chỉ hành nghề có hiệu lực trong thời gian 5 năm theo quy định hiện hành có xét đến yếu tố thay đổi của pháp luật, chính sách và sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng dẫn đến cá nhân phải nghiên cứu, cập nhật, bổ sung kiến thức để duy trì, đáp ứng các yêu cầu của hoạt động xây dựng.

Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, theo quy định tại Điều 149 Luật Xây dựng năm 2014 đã bao gồm việc phân cấp cho các địa phương và tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề.

Quy định về chứng chỉ hành nghề bắt buộc đối với các chức danh, cá nhân hành nghề độc lập theo quy định tại Điều 148 Luật Xây dựng năm 2014.

Việc cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài hiện nay thực hiện theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và Điều 18 Thông tư số 17/2016/TT-BXD. Trường hợp cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ 6 tháng trở lên, phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng tại Bộ Xây dựng. Trường hợp cá nhân nước ngoài chưa được cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp chứng chỉ hành nghề thì khi có nhu cầu tham gia hoạt động xây dựng tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề như cá nhân trong nước.

Như vậy, điều kiện để cá nhân là người nước ngoài có được chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam là công bằng với cá nhân trong nước.

Về việc thực hiện thủ tục hành chính về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Bộ Xây dựng đã tổ chức thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 3 về cấp chứng chỉ hành nghề qua mạng Internet.

Như vậy, ngoài việc thực hiện thủ tục thông qua đường bưu điện hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cấp chứng chỉ như trước đây, cá nhân có thể thực hiện nộp và nhận kết quả giải quyết thủ tục về cấp chứng chỉ hành nghề qua mạng.

Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ được quy định theo hướng đơn giản hóa và tạo điều kiện cho cá nhân thông qua việc nộp đơn kèm theo các tệp tin chứa bản chụp các tài liệu theo quy định.

Công tác sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay được quy định theo hướng tạo điều kiện tối đa cho cá nhân khi đăng ký tham gia sát hạch. Theo đó, việc sát hạch được tiến hành theo tổ chức, khu vực hoặc địa phương, kết quả sát hạch của cá nhân được bảo lưu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày sát hạch làm cơ sở đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo Chinhphu.vn