Hội Kiến trúc sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho rằng, cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề nên giao cho địa phương thay vì là Bộ Xây dựng để tránh phiền hà về thủ tục hành chính. Ngoài ra, theo quy định trước đây, để được cấp chứng chỉ hành nghề hạng cao hơn thì cá nhân cần tham gia làm 5 công trình tương tự hoặc chủ trì 3 hoặc 5 công trình cấp thấp hơn. Tuy nhiên theo quy định hiện nay, để được cấp chứng chỉ hành nghề cao hơn phải chủ trì công trình cấp đó.
Theo Hiệp hội, quy định này sẽ tạo ra tình trạng độc quyền do chỉ một vài viện của Bộ Xây dựng mới có thể có chứng chỉ hành nghề loại 1. Việc quản lý bằng quá nhiều bằng cấp và chứng chỉ mà quên đi quyền hành nghề tự do sẽ làm giảm tính cạnh tranh quốc tế của các kiến trúc sư trong nước.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng có thông tin phản hồi như sau:
Vì sao chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm?
Khoản 2 Điều 149 Luật Xây dựng năm 2014 quy định, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề phải đáp ứng được đồng thời các điều kiện về trình độ chuyên môn, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ và đã qua sát hạch kiểm tra kinh nghiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.
Việc quy định chứng chỉ hành nghề có hiệu lực trong thời gian 5 năm theo quy định hiện hành có xét đến yếu tố thay đổi của pháp luật, chính sách và sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng dẫn đến cá nhân phải nghiên cứu, cập nhật, bổ sung kiến thức để duy trì, đáp ứng các yêu cầu của hoạt động xây dựng.
Về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, theo quy định tại Điều 149 Luật Xây dựng năm 2014 đã bao gồm việc phân cấp cho các địa phương và tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề.
Quy định về chứng chỉ hành nghề chỉ bắt buộc đối với các chức danh, cá nhân hành nghề độc lập theo quy định tại Điều 148 Luật Xây dựng năm 2014. Việc cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài hiện nay thực hiện theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và Điều 18 Thông tư số 17/2016/TT-BXD.
Trường hợp cá nhân hành nghề hoạt động xây dưng ở Việt Nam từ 6 tháng trở lên, phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng tại Bộ Xây dựng. Trường hợp cá nhân nước ngoài chưa được cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp chứng chỉ hành nghề thì khi có nhu cầu tham gia hoạt động xây dựng tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề như cá nhân trong nước.
Như vậy, điều kiện để cá nhân là người nước ngoài có được chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam là công bằng với cá nhân trong nước.
Có thể thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề qua mạng
Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Bộ Xây dựng đã tổ chức thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 3 và cấp chứng chỉ hành nghề qua mạng Internet.
Như vậy, ngoài việc thực hiện thủ tục thông qua đường bưu điện hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cấp chứng chỉ như trước đây, cá nhân có thể thực hiện việc nộp và nhận kết quả giải quyết thủ tục về cấp chứng chỉ hành nghề qua mạng.
Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ được quy định theo hướng đơn giản hóa và tạo điều kiện cho cá nhân thông qua việc nộp đơn kèm theo các tệp tin chứa bản chụp các tài liệu theo quy định. Công tác sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay được quy định theo hướng tạo điều kiện tối đa cho cá nhân khi đăng ký tham gia sát hạch; kết quả sát hạch của cá nhân được bảo lưu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày sát hạch làm cơ sở đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Theo Chinhphu.vn