Theo phản ánh của Công ty, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Công ty nhận thấy một số bất cập như sau:
Trường hợp 1: Trên báo cáo tài chính của Công ty được ghi Mục vốn chủ sở hữu là 15 tỷ đồng. Công ty có doanh thu 100 tỷ đồng, nhưng do các khách hàng của Công ty nợ nhiều tới 80 tỷ đồng. Do đó, Công ty cũng nợ các nhà cung cấp tới 75 tỷ đồng. Vậy, trong báo cáo tài chính của Công ty thì Mục tổng tài sản sẽ là 90 tỷ đồng (gồm nợ phải trả 75 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 15 tỷ đồng). Công nợ nhiều nên Công ty có nguy cơ bị phá sản.
Trường hợp 2: Trên báo cáo tài chính của Công ty được ghi Mục vốn chủ sở hữu là 15 tỷ đồng. Công ty có doanh thu 100 tỷ đồng, các khách hàng đã thanh toán đầy đủ, nhưng Công ty chiếm dụng vốn của các nhà cung cấp và nợ 80 tỷ đồng. Vậy, trong báo cáo tài chính của Công ty thì Mục tổng tài sản sẽ là 95 tỷ đồng (gồm nợ phải trả 80 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 15 tỷ đồng). Công ty có dấu hiệu khuất tất, không lành mạnh.
Trường hợp 3: Trên báo cáo tài chính của Công ty được ghi Mục vốn chủ sở hữu là 15 tỷ đồng. Công ty có doanh thu 100 tỷ đồng, các khách hàng của Công ty thanh toán đầy đủ và Công ty thanh toán đầy đủ cho các nhà cung cấp. Như vậy, Công ty có năng lực tốt và lành mạnh.
Cả 3 trường hợp trên, Công ty đều có 150 lao động. Theo như các trường hợp nêu trên, thì vốn chủ sở hữu là như nhau. Do nợ phải trả khác nhau dẫn đến tổng tài sản trên báo cáo tài chính là khác nhau. Căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP thì Công ty thuộc trường hợp 1 và 2 lại được xếp vào doanh nghiệp vừa (mặc dù công ty có nguy cơ phá sản hoặc là công ty không lành mạnh), còn trường hợp 3 thì lại xếp vào doanh nghiệp nhỏ (mặc dù công ty có năng lực và lành mạnh).
Theo Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 2 đây chính là điều bất cập. Công ty đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chỉnh sửa Mục 1, Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP không theo quy mô tổng nguồn vốn, mà theo quy mô vốn chủ sở hữu được ghi trong báo cáo tài chính (Căn cứ về số lao động giữ nguyên như Nghị định đã ban hành).
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Nội dung kiến nghị của Công ty liên quan tới quy định về định nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị định số 56/2009/NĐ-CP) để nghiên cứu hoàn chỉnh chính sách.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có đề xuất thảo luận, nghiên cứu để làm rõ và quy định phù hợp về định nghĩa và các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong quá trình soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghị định hướng dẫn (được dự thảo, hoàn thiện sau khi Luật được ban hành), Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đánh giá cao ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và sẽ xem xét các kiến nghị này để tổng hợp, nghiên cứu phục vụ công tác soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Chinhphu.vn