Chỉ cần 1 chứng từ kiểm tra duy nhất để thông quan

Theo phản ánh của Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Quảng Ninh, từ cuối năm 2011, Công ty đã đăng ký thực hiện loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất, đồng thời tiến hành nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm đông lạnh dùng làm nguyên liệu để sản xuất - gia công xuất khẩu.

Thời điểm đó, do chưa có các quy định cụ thể về kiểm dịch và an toàn thực phẩm nên Công ty áp dụng nội dung Công văn số 3339/BNN-TY ngày 15/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để lập hồ sơ đăng ký nhập khẩu.

Căn cứ tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu nguyên liệu, Cục Thú y đã có các văn bản chỉ đạo cơ quan Thú y Vùng II lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm của các lô hàng nhập khẩu theo TCVN 7047:2009.

Đến ngày 15/8/2016, sau khi Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn có hiệu lực, Công ty nhận thấy, các chỉ tiêu và mức giới hạn mà cơ quan Thú y Vùng II xét nghiệm làm căn cứ cấp Giấy chứng nhận đều là các chỉ tiêu và mức hạn về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thịt đông lạnh.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Quảng Ninh đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép Công ty sử dụng văn bản chỉ đạo của Cục Thú y (cấp 3 tháng/lần) và bộ hồ sơ hải quan để thông quan các lô hàng là nguyên liệu thực phẩm do Công ty nhập về sản xuất hàng xuất khẩu mà không cần nộp kết quả kiểm tra Nhà nước khác về kiểm dịch, an toàn thực phẩm khi làm thủ tục hải quan.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Ngày 5/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2016. Tại Điểm 3 Nghị quyết số 103/NQ-CP, Chính phủ “thống nhất cho phép doanh nghiệp được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định an toàn thực phẩm, miễn ghi nhãn tiếng Việt Nam đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước".

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Điểm 3 Nghị quyết số 103/NQ-CP dẫn trên, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) có Công văn số 11933/TCHQ- GSQL ngày 21/12/2016 và Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã có Công văn số 7841/ATTP-PC ngày 15/12/2016 hướng dẫn.

Theo đó, doanh nghiệp không phải thực hiện kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu hoặc nhập gia công hàng xuất khẩu.

Thực phẩm nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu không được miễn kiểm dịch

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015 và Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc Danh mục phải kiểm dịch động vật thì hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu thực phẩm dùng để sản xuất hàng xuất khẩu không thuộc đối tượng được miễn kiểm dịch khi nhập khẩu.

Về việc hàng hóa nhập khẩu vừa thuộc diện kiểm tra an toàn thực phẩm vừa thuộc diện kiểm dịch, Bộ Tài chính đã có Công văn số 18092/BTC-TCHQ ngày 20/12/2016 kiến nghị ba Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Y tế xem xét chấp thuận cho hàng hóa nhập khẩu thuộc diện vừa phải kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm vừa phải kiểm dịch chỉ cần sử dụng một chứng từ kiểm tra duy nhất để làm thủ tục thông quan hàng hóa.

Trong thời gian chờ các Bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu, sửa đổi các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đề nghị Công ty thực hiện theo các quy định hiện hành.

Trường hợp còn vướng mắc về các quy định kiểm tra chuyên ngành về kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch, đề nghị Công ty liên hệ trực tiếp với các Bộ quản lý chuyên ngành để được hướng dẫn cụ thể.

Theo Chinhphu.vn