Hợp tác kinh tế Việt Nam - Pakistan : Tháo “nút thắt” cơ chế

Biểu đồ thương mại hai chiều Pakistan – VN

Tại cuộc gặp giữa các DN Pakistan và VN mới đây do VCCI tổ chức, các DN hai nước đã chỉ ra rằng, “nút thắt” chính gây cản trở sự hợp tác đầu tư giữa hai cộng đồng DN là do chưa có cơ chế thanh toán hợp lý và tuyến giao thông trực tiếp giữa hai nước. Dự kiến trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2011 sẽ đạt khoảng 300 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu cân bằng ở mức khoảng 150 triệu USD.

Chưa tận dụng hết cơ hội

TS Đoàn Duy Khương - Phó chủ tịch VCCI cho rằng, còn nhiều cơ hội mà cộng đồng DN hai nước chưa tận dụng hết là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ thương mại giữa hai nước còn thấp. Cụ thể, năm 2010 chỉ đạt 245 triệu USD, trong 4 tháng đầu năm 2011 đạt khoảng 90 triệu USD. Thời gian tới, cộng đồng DN hai nước cần thúc đẩy các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin, khảo sát thị trường... để hiểu và tiếp cận thị trường tốt hơn, từ đó sẽ có những bước đi cụ thể.

Ông Zafar Mahmood - Thứ trưởng Bộ Thương mại Pakistan cho biết, các DN Pakistan đánh giá cao tiềm năng của thị trường VN. Nhiều lĩnh vực DN hai nước có thể hợp tác. VN có thế mạnh sản xuất, kinh doanh xuất khẩu hàng thủy sản, lĩnh vực này VN rất dồi dào kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất, tay nghề cao...

Ông đưa ra dẫn chứng, mới đây Cty Siddqsons Limited, Karachi đã thông qua Vasep giới thiệu một DN thủy sản mạnh của VN để hợp tác đầu tư liên kết về chế biến thủy sản, với dự án trị giá 5 triệu USD. Theo đó, Cty Siddqsons Limited, Karachi sẽ cung ứng thủy sản (cụ thể là mặt hàng cá) nguyên liệu để sản xuất tại VN sau đó xuất khẩu ra nước ngoài. “Nếu công việc kinh doanh thuận lợi, suôn sẻ sẽ nâng mức đầu tư lên cao hơn và nhân rộng mô hình này” - ông Zafar Mahmood nói.

Còn nhiều rào cản

Hai nước cần sớm thành lập nhóm công tác chuyên trách để tư vấn cho các bộ, ngành mỗi nước trong việc giảm thuế quan, tạo thuận lợi cho DN hai bên.

 

Theo ông Tariq Iqbal Puri - Chủ tịch cơ quan phát triển thương mại quốc gia Pakistan, Chủ tịch UB thương mại hỗn hợp Pakistan- VN, vẫn còn những trở ngại về vận tải bởi hai nước chưa có tuyến giao thông trực tiếp thông qua đường biển, hàng không...; Việc thanh toán qua ngân hàng của hai nước chưa có đại diện tại mỗi nước đang là những rào cản khiến quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai nước còn thấp. Để giải quyết nhanh chóng vấn đề này, trước mắt ngân hàng hai nước cần xúc tiến thành lập ngay chi nhánh để hỗ trợ tạo thuận lợi cho kinh doanh của DN nước mình. Việc trao đổi thông tin giữa hai bên các DN cũng cần thực hiện thường xuyên. Hội chợ, triển lãm, hay hội thảo DN là những kênh thông tin quan trọng DN không nên bỏ qua vì đây là địa điểm thích hợp để các DN tiếp cận với thị trường, tiếp xúc trực tiếp với đối tác để thảo luận những vấn đề quan tâm; nắm bắt được nhu cầu đối với các mặt hàng mình có thế mạnh, nhu cầu các mặt hàng đối tác cần, cũng như tập quán, phương thức kinh doanh, từ đó có định hướng chiến lược XNK lâu dài vào thị trường của nhau...

Trong khi đó, ông Trần Quang Huy - Phó vụ trưởng Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua xuất hiện nhiều vụ việc, trường hợp gian lận và tranh chấp thương mại. Bộ Công Thương đề nghị các DN hai nước cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật mỗi nuớc và thông lệ quốc tế trong hoạt động giao thương. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bên liên quan thiết lập kênh thông tin và cơ chế xử lý kịp thời ngăn chặn các hiện tượng này diễn ra trong tương lai, không làm ảnh hưởng tới quan hệ thương mại giữa hai nước.

Tuy nhiên, theo ông Huy, vẫn có nhiều cơ hội để các DN hai nước có thể hợp tác, DN VN có thế mạnh XK nông sản, thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ, giày dép, dệt may... Trong khi DN Pakistan có thế mạnh về dược phẩm, nguyên liệu dệt may, da giày... Đây là những lĩnh vực hai nước có thể bổ sung lẫn nhau và tạo hiệu quả khi hợp tác đầu tư.

Các DN cho rằng, hai nước cần sớm thành lập nhóm công tác chuyên trách để tư vấn cho các bộ, ngành mỗi nước trong việc giảm thuế quan, tạo thuận lợi cho DN hai bên. Đặc biệt là thiết lập các cơ chế thanh toán, giao dịch dễ dàng hơn. Bởi đây chính là những “nút thắt” chính gây cản trở quan hệ thương mại hai nước thời gian qua.
 
Quốc Anh