Theo cáo trạng, ngày 17/12/2014, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện bên trong vali có nhiều viên nén nghi chứa ma túy. Sau đó, ông Trần Quốc Huẩn đến cơ quan điều tra khai nhận được người quen là Đặng Tuấn Vinh (SN 1975, TPHCM) nhờ vào sân bay đón hành lý giúp. Trong quá trình điều tra, Vinh khai có một người tên Phạm Ngọc Ngôn đặt vấn đề vận chuyển tôm hùm từ Canada về Việt Nam tiêu thụ. Vinh không biết 2 vali chứa ma túy.
Hãng hàng không xác nhận, 2 vali là của ông Phạm Ngọc Lâm (SN 1970, quốc tịch Canada) gửi kèm theo khi đi chuyến bay khởi hành Toronto và nối chuyến từ Hong Kong về Việt Nam.
Hai bị cáo Phạm Ngọc Lâm và Đặng Tuấn Vinh (mặc áo sậm màu) tại phiên tòa ngày 24/8/2016.(Ảnh: Pháp luật TPHCM) |
TAND TPHCM tuyên phạt Phạm Ngọc Lâm tù chung thân và Đặng Tuấn Vinh 20 năm tù giam về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Liên quan đến vụ án, phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Nguyễn Hồng Bách – Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Thế nào là vận chuyển trái phép chất ma túy?
PV: Hai bị cáo Phạm Ngọc Lâm và Đặng Tuấn Vinh bị truy tố về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Ông có thể phân tích rõ thế nào là vận chuyển trái phép?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Tại điều 194 Bộ luật Hình sự quy định 4 tội danh, bao gồm tội: tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt chất ma túy. Trong đó, hành vi khách quan của tội vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi vận chuyển chất ma túy từ địa điểm này đến địa điểm khác mà không có giấy phép hợp lệ.
Vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào, có thể bằng phương tiện khác nhau như ô tô, máy bay, tàu thủy… trên các tuyến đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy, bưu điện; có thể để trong người, như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý… không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác.
Người giữ hộ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm. Nếu hành vi vận chuyển nhằm mục đích bán thì sẽ phạm tội mua bán.
Do đó, trường hợp phạm tội của các bị cáo rơi vào một trong các trường hợp quy định ở điểm a đến điểm h khoản 4 điều 194 và tương xứng ở điểm b – heroin hoặc cocain có trọng lượng từ 100 gam trở lên đã có thể đến khung hình phạt cao nhất là tử hình.
PV: Trong vụ án này, các cơ quan xác định Phạm Ngọc Ngôn là đối tượng có vai trò tổ chức việc vận chuyển trái phép chất ma túy, bị cáo Lâm và Vinh là đồng phạm thực hiện việc vận chuyển trái phép. Người tổ chức chưa bắt được, nhưng cơ quan chức năng vẫn đưa vụ án ra xét xử. Pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Trong điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự quy định cơ quan điều tra được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả tội phạm. Việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
Luật cũng quy định, trong trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì chỉ tạm đình chỉ điều tra khi đã hết thời hạn điều tra. Nếu không biết bị can ở đâu, cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra.
Về vai trò của người chủ mưu cầm đầu chỉ huy là một trong những nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự. Do đó, thông thường những kẻ cầm đầu chủ mưu phải chịu các trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn những người khác. Tuy nhiên, trên thực tế, có những vụ, người cầm đầu chủ mưu hoặc người tổ chức lại có mức án nhẹ hơn đồng phạm khác. Đây là điều bình thường. Bởi đó là quy định cá thể hóa trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt cho một người phạm tội phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Khi quyết định hình phạt, tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc các tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo được hưởng như thế nào.
Chính vì vậy, có những trường hợp kẻ chủ mưu cầm đầu hoặc tổ chức nhưng nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì được mức án thấp hơn so với đồng phạm.
Bắt được kẻ chủ mưu, có xem xét mức án của đồng phạm?
PV: Nếu sau này cơ quan chức năng bắt được Phạm Ngọc Ngôn thì tòa có xem xét mức án của Lâm và Vinh không, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Đây là một vấn đề trên thực tế có nhiều tình huống xảy ra. Bộ luật tố tụng hình sự có quy định cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án khi việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
Do đó, khi quyết định tách hoặc các cơ quan điều tra tiến hành tố tụng phải họp, có đầy đủ chứng cứ xác định để định tội danh và hình phạt đối với Lâm, Minh mà không phụ thuộc đến kết quả điều tra đối với Ngôn. Vì vậy, về mặt xét lại tội danh hay mức án đối với Lâm, Vinh khi bắt được Ngôn thì gần như không xảy ra.
Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp có thể xảy ra. Nếu kết quả điều tra đối với Ngôn và làm sáng tỏ các tình tiết có thể làm thay đổi tội danh hoặc hình phạt đối với Lâm, Vinh thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải xem xét để có thể kháng nghị hủy bỏ bản án đã có hiệu lực đối với Vinh, Lâm đế tiến hành xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
PV: Trong vụ án này còn có vai trò của Trần Quốc Huẩn – người đượcVinh nhờ ra sân bay nhận hộ 2 vali hành lý có chứa ma túy. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Huẩn. Luật sư có thể phân tích rõ?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Trong tội vận chuyển trái phép chất ma túy, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội biết hoặc phải biết hành vi của mình là hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy nhưng họ vẫn cố ý thực hiện. Những người giữ hộ, chuyển hộ cho người khác do bị lừa dối hoặc cho đi nhờ xe thì không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về việc vận chuyển trái phép chất ma túy.
PV: Bị cáo Lâm là người Việt Nam có quốc tịch Canada, tại sao vẫn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam và thi hành án phạt tù tại Việt Nam, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Điều 5 của Bộ luật Hình sự và điều 2 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam đều chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Ví dụ người nước ngoài thuộc diện đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự, công dân nước thành viên của điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập thì trách nhiệm hình sự và các hoạt động tố tụng đối với họ sẽ được tiến hành theo quy định của điều ước quốc tế, luật pháp quốc tế bằng đường ngoại giao.
Như vụ sát hại ở Malaysia, bị can Hương – người mang quốc tịch Việt Nam đang bị xét xử, nhưng có người Triều Tiên theo cáo buộc của cơ quan điều tra Malaysia thì lại được thả.
Thực tế, một số người phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam chúng ta cũng đã dẫn độ về quốc gia của họ để xét xử; có một số người mang quốc tịch Việt Nam phạm tội ở nước ngoài thì được dẫn độ về Việt Nam để trao trả cho cơ quan chức năng Việt Nam xem xét. Cũng có trường hợp xét xử ở Việt Nam nhưng trục xuất bằng bản án, và bản án đó trục xuất họ về nước họ xử lý.
PV: Xin cảm ơn luật sư./.