Tập huấn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Doanh nghiệp

Tới dự buổi tập huấn có ngài Dragan Radic – chuyên gia cao cấp của ILO tại Bangkok (Thái Lan); ông Faye Casem – chuyên gia ILO; bà Hoàng Yến tới từ Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại (VASEP)... Cùng gần 30 doanh nghiệp đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận như Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội; Cty đóng tàu Thủy Nguyên Hải Phòng; Doanh nghiệp tranh đá quý Xuân Việt; Doanh nghiệp dệt Phùng Xá; Cty sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ…

“Xóa bỏ lao động cưỡng bức” là một chương trình hành động đặc biệt đấu tranh chống lao động cưỡng bức, chương trình nhằm mang tới cho các tổ chức của người lao động, các doanh nghiệp ở mọi cấp độ, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đa quốc gia, các doanh nghiệp xuất khẩu; các cán bộ quản lý, cán bộn nguồn nhân lực, nhân viên phụ trách công tác tuân thủ xã hội và tìm kiếm nguồn nhân lực… hiểu và giải quyết các khía cạnh và những vấn đề đa dạng liên quan đến lao động cưỡng bức và buôn người, nhận thức rằng mỗi doanh nghiệp và tổ chức khác nhau có những nhu cầu, ưu tiên không giống nhau. Mà đây được cho là các hiện tượng mang tính toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì vậy lao động cưỡng bức là một nguy cơ đáng kể với các doanh nghiệp toàn cầu cũng như những đại diện của họ ở cấp quốc gia hay quốc tế.

Ngoài việc nâng cao nhận thức về lao động cưỡng bức và buôn bán người, chương trình còn cung cấp tư liệu và hướng dẫn thực tế cho các doanh nghiệp, các tổ chức của người sử dụng lao động nhằm khích lệ những nỗ lực đấu tranh chống lao động cướng bức và buôn bán người; tài liệu hỗ trợ người sử dụng lao động trong những cam kết của họ về các vấn đề là đề xuất các biện pháp cụ thể để giúp họ thực hiện hành động phòng chống nguy cơ lao động cưỡng bức; thúc đẩy hiểu biết hơn nữa các tiêu chuẩn quôc tế để giải quyết các vấn đề này; khuyến khích cách tiếp cận đối tác rộng mở trong cuộc đấu tranh chống lao động cưỡng bức và buôn bán người thông qua cam kết tích cực của các doanh nghiệp trong hành động toàn cầu.

Đại diện ILO khẳng định, sự tham gia của các doanh nghiệp là chìa khóa thành công trong chiến dịch của ILO nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức trên toàn thế giới vào năm 2015. Bởi, các tổ chức của người sử dụng lao động và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến chống mọi hình thức lao động cưỡng bức hay lao động bắt buộc. Đặc biệt, là chỗ dựa chiến lược thể hiện sự cam kết và bền vững về thể chế.

Nguyễn Huyền – Trần Dương