Hiện nay, ông Lượng vẫn làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Ông Lượng muốn hỏi, trường hợp của ông có được nâng lương lên bậc 2 không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Theo Điểm h, Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam là cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ ở cấp xã.
Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Nghị định này quy định, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã có trình độ sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện xếp lương bậc 1 hệ số 1,75; bậc 2 hệ số 2,25 mức lương tối thiểu chung (nay gọi là mức lương cơ sở).
Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ đã bổ sung vào cuối Điểm c, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP như sau:
Riêng đối với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí, ngoài lương hưu hiện hưởng, hàng tháng được hưởng 100% mức lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Nghị định này và không phải đóng BHXH, BHYT. Sau thời gian đủ 5 năm (60 tháng) xếp bậc 1, nếu hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật trong suốt thời gian này thì được hưởng 100% mức lương bậc 2 của chức danh đảm nhiệm.
Theo Hướng dẫn số 108/HD-CCB ngày 11/4/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam hướng dẫn Đại hội Cựu chiến binh các cấp nhiệm kỳ 2017 – 2022, đối với đồng chí được cơ cấu chức danh Chủ tịch Hội là cán bộ nghỉ hưu hoặc hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng tham gia Ban Chấp hành lần đầu từ 60 tuổi trở xuống, tái cử còn tuổi công tác được từ 24 tháng trở lên mới đến tuổi 65 nghỉ công tác Hội.
Trường hợp đặc biệt, những nơi thực sự khó khăn về nguồn, tham gia Ban Chấp hành lần đầu được vận dụng từ 62 tuổi trở xuống, hoặc đã có thời gian công tác Hội được 2 nhiệm kỳ, nhưng chưa có nguồn thay thế, được cấp ủy và hội viên tín nhiệm, có đủ sức khỏe thì có thể kéo dài hơn 2 nhiệm kỳ, nhưng thời gian công tác Hội cả 2 trường hợp vận dụng trên tối đa không quá 70 tuổi.
Chủ tịch Hội là công chức, viên chức, người lao động hoặc quân nhân phục viên, xuất ngũ tham gia Ban Chấp hành nói chung, đủ tuổi công tác 1 nhiệm kỳ trở lên. Trường hợp đặc biệt (đã có thời gian công tác Hội được 2 nhiệm kỳ nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để nghỉ hưu theo luật định) nếu được tổ chức Hội tín nhiệm, cấp có thẩm quyền nhất trí thì có thể kéo dài thời gian công tác Hội hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Thông tin ông Võ Khắc Lượng nêu còn chưa rõ ông là sĩ quan quân đội hoặc cán bộ nghỉ hưu đang hưởng chế độ hưu trí, tháng 1/2011 được bầu cử làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã; hay ông là quân nhân phục viên, xuất ngũ chưa hưởng chế độ hưu trí, tháng 1/2011 được bầu Chủ tịch Hội Cựu chiến binh.
Nhưng theo quy định nêu trên thì, cả hai trường hợp ông đang hưởng lương hưu giữ chức vụ Chủ tịch Hội, hay chưa hưởng chế độ hưu trí giữ chức vụ Chủ tịch Hội, sau thời gian đủ 5 năm (60 tháng) xếp bậc 1, nếu hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật trong suốt thời gian này và tiếp tục được bầu cử vào nhiệm kỳ thứ hai giữ chức vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh sau khi đủ 60 tuổi, thì ông được hưởng 100% mức lương bậc 2 của chức danh đảm nhiệm.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo chính phủ