Giờ chuẩn giảng dạy quy định là 270 giờ/năm (giờ chuẩn bao gồm thời gian làm việc trước, trong và sau tiết dạy). Tuy nhiên Thông tư 47/2014/TT-BGDĐT lại không hướng dẫn quy đổi từ giờ chuẩn sang giờ hành chính, cũng như không hướng dẫn quy đổi từ giờ nghiên cứu khoa học sang giờ hành chính.
Điều này dẫn đến có đơn vị coi 1 giờ chuẩn tương đương 1 giờ hành chính, do đó giảng viên ngoài việc giảng dạy đủ (thậm chí vượt giờ chuẩn), thực hiện đủ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tham gia hội họp, bồi dưỡng, vẫn phải vào đơn vị làm việc theo chế độ 8 tiếng/ngày, tuần 5 ngày. Bà Thảo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cách quy đổi.
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giảng viên có hiệu lực thi hành từ ngày 25/3/2015. Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT quy định: "Tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong nhà trường là 1760 giờ sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định". (Căn cứ quy định cụ thể về việc thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ để quy ra tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học là 1760 giờ (giờ hành chính).
Trong một năm học mỗi giảng viên đều phải thực hiện nhiệm vụ: giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH), học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong nhà trường với tổng quỹ thời gian làm việc trong một năm học là 1760 giờ. Cụ thể:
- Định mức giảng dạy: 270 giờ chuẩn (giờ chuẩn là đơn vị thời gian quy đổi để thực hiện một công việc tương đương cho một tiết giảng lý thuyết trình độ cao đẳng, đại học trực tiếp trên lớp theo niên chế, bao gồm thời gian lao động cần thiết trước, trong và sau tiết giảng).
- Định mức NCKH: ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học.
- Quỹ thời gian còn lại dành cho việc học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong nhà trường.
Nghiên cứu để tính ra định mức giờ chuẩn cho thấy: 3,3 giờ hành chính ≈ 1 giờ chuẩn. Như vậy, 270 giờ chuẩn ≈ 900 giờ làm việc hành chính (nhiệm vụ giảng dạy chiếm khoảng 50% tổng quỹ thời gian làm việc); quỹ thời gian làm việc trong năm học để làm nhiệm vụ NCKH ≈ 586 giờ hành chính (1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học) và kết quả thực hiện nhiệm vụ NCKH được công bố bằng sản phẩm cụ thể theo quy định. Như vậy, không thể coi 1 giờ chuẩn tương đương 1 giờ hành chính.
Nhiệm vụ giảng dạy và NCKH là 2 nhiệm vụ chính và bắt buộc đối với mỗi giảng viên; mỗi giảng viên đều phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ nói trên. Do đó, Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT không có hướng dẫn quy đổi từ NCKH ra giờ chuẩn và ngược lại.
Trong năm học, giảng viên hoàn thành định mức quy định 270 giờ chuẩn, đồng thời đã hoàn thành các nhiệm vụ về NCKH học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong nhà trường được coi đã hoàn thành định mức thời gian làm việc trong một năm học là 1.760 giờ (tương đương với việc thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ).
Theo Chinhphu.vn