Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn

Khu vực kinh tế tư nhân tại tỉnh Quảng Ninh đóng góp khoảng 35% vào tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách hằng năm, giải quyết công ăn việc làm cho trên 50.000 lao động, với mức thu nhập ổn định. Đáng chú ý, năng suất lao động xã hội bình quân của tỉnh Quảng Ninh luôn trong nhóm đầu cả nước và nhiều năm liên tục đứng đầu toàn vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên nhìn tổng thể, các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân tại Quảng Ninh chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại
Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại để hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân. Ảnh Tiến Dũng
Trong giai đoạn 2017-2023, tỉnh Quảng Ninh có 10.555 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 1,7 lần mức trung bình của giai đoạn 2011-2016, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2023 lên thành 16.718 doanh nghiệp và chi nhánh đăng ký hoạt động, với số vốn đăng ký đạt 341.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: "Thời gian qua, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh chủ yếu do chi phí đầu vào gia tăng, nguồn cung vật liệu không ổn định, không tìm được đầu ra cho sản phẩm, đứt gãy chuỗi liên kết, cạn kiệt nguồn vốn. Cùng với đó, nhu cầu trong các ngành kinh tế đều giảm, nhu cầu tiêu dùng của cả thế giới giảm mạnh, nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng".

Nhìn ở một góc độ khác, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ của Quảng Ninh phát triển chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp, kết nối kinh tế nông thôn - đô thị, công nghiệp - dịch vụ còn hạn chế. Việc đổi mới dây chuyền, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh chưa nhiều, giá trị hàng hóa xuất khẩu còn thấp, cùng với đó, quản trị doanh nghiệp còn kém, chưa đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường, nên gặp khó khăn trong việc đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và chưa có sự tham gia liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp...

Chính vì những khó khăn, vướng mắc này, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã có 1.613 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; trong 7 tháng đầu năm 2024 có 1.260 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Điều đáng nói là số doanh nghiệp ngừng hoạt động chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tập trung vào những ngành nghề thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ, du lịch.

Hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp tư nhân

Trong những tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức các buổi "Cafe doanh nhân" với chủ đề “Đối thoại chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp” nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, tỉnh cũng cung cấp dịch vụ công tiện ích, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư thành công, phát triển bền vững lâu dài tại tỉnh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người lao động và người dân.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng hợp lý trên cơ sở nâng cao khả năng đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân được tiếp cận tín dụng.

Trong đó, ưu tiên tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực trọng điểm của tỉnh, như: Nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; công nghệ cao...

Quảng Ninh: Đẩy mạnh phát triển nhóm kinh tế tư nhân
Chương trình "Cafe doanh nhân" được tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và sản phẩm chủ lực xây dựng thương hiệu đến năm 2025, định hướng 2030, trong đó tập trung vào một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành.

Đồng thời, các cơ quan liên quan cũng tăng cường hỗ trợ tư vấn về xây dựng các dự án liên kết kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa; tư vấn đăng ký nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh; hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, tham gia gian hàng tại hội trợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.

Ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Đơn vị sẽ tích cực tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh triển khai có hiệu quả và thực chất Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, tăng cường triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh dựa trên xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, các mô hình kinh doanh bao trùm, tuần hoàn".