Doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức

Nội dung trên được ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI HCM) nêu tại Lễ khai mạc Hội chợ đồ Gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN lần thứ 2 (VIFA ASEAN 2024), do VCCI HCM phối hợp với Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh tổ chức.

anhliem.jpg
Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm phát biểu tại Lễ khai mạc - Ảnh: Đình Đại.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm cho biết, trải qua năm 2023 đầy khó khăn của xuất khẩu hàng hóa Việt Nam với kim ngạch giảm 4,6%, trong đó trị giá xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và đồ nội thất giảm 14,8%. Bước sang 7 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đã phục hồi mạnh và tăng trưởng trở lại.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 227 tỷ USD, tăng 16%, trong đó trị giá xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và đồ nội thất đạt 10,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm, trong 45 thị trường chính xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và đồ nội thất của Việt Nam, các thị trường xuất khâu lớn hầu hết có trị giá xuất khẩu tăng trưởng rất cao. Cụ thể, thị trường Mỹ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 26%; Thị trường Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD, tăng 38,6%; Thị trường Nhật Bản đạt 961 triệu USD, tăng 1,5%, Thị trường Hàn Quốc đạt 452 triệu USD, giảm 2,1%; Thị trường châu Âu đạt 439 triệu USD, tăng 25,8%, Thị trường ASEAN đạt 206 triệu USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ông Liêm đánh giá, mặc dù phục hồi mạnh và tăng trưởng trở lại, nhưng trị giá xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và đồ nội thất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 vẫn chưa đạt mức cùng kỳ năm trước.

_dsc1760.jpg
Khách tham quan là người nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp tại VIFA ASEAN 2024 - Ảnh: Đình Đại.

“Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gỗ, sản phẩm gỗ và đồ nội thất vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức như: ảnh hưởng của xung đột ở Trung Đông, Biển Đỏ, Nga- Ucraina, giá cước tàu biển neo cao kéo dài khiến giá nguyên liệu nhập về tăng mạnh. Chi phí nguyên liệu, thời gian và chi phí vận chuyển tăng khiến giá thành sản phẩm tăng theo gây khó khăn khi cạnh tranh về giá cả. Cùng với đó là yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, tính an toàn, thân thiện cùng nguồn gốc rõ ràng của các sản phẩm cũng như chính sách bảo hộ từ các quốc gia nhập khẩu,...”, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm đánh giá.

Do đó, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm cho rằng, việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm, các chứng chỉ quốc tế cần thiết cũng như tìm kiếm các thị trường phi truyền thống, nhằm đa dạng hóa thị trường đầu ra của sản phẩm gỗ và nội thất là những việc thiết yếu mà các doanh nghiệp cần thực hiện để có thể đảm bảo được sự tăng trưởng bền vững. Ông cho rằng, việc tham gia các Hội chợ xuất khẩu quốc tế là cơ hội vàng để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tìm kiếm các đơn hàng tiềm năng trong thời điểm hiện nay.

“Với mục tiêu góp phần xây dựng TP HCM trở thành trung tâm giao dịch nội – ngoại thất hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á, VIFA ASEAN 2024 thu hút hơn 200 doanh nghiệp từ Việt Nam và 13 quốc gia tham gia trưng bày trên quy mô 600 gian hàng. Ngoài ra, VIFA ASEAN 2024 cũng nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng tích cực từ các cơ quan, tổ chức, các thương vụ, hiệp hội kinh tế trong và ngoài nước”, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm chia sẻ.

Đồng thời, ông cũng cho rằng, là sự kiện nội thất trọng điểm của khu vực trong tháng 8 năm nay – mùa cao điểm mua hàng của ngành hàng nội, ngoại thất, VIFA ASEAN 2024 mang sứ mệnh kết nối, hỗ trợ, đẩy mạnh xúc tiến, tăng cường thúc đẩy, mở rộng thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp nội - ngoại thất của Việt Nam. 

Theo Đình Đại (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-nganh-go-van-dang-gap-nhieu-kho-khan-thach-thuc-10141091.html