Các đại biểu và doanh nghiệp tham dự Diễn đàn - Ảnh: Đình Đại.
Ông Trần Ngọc Liêm cho biết, sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa Việt Nam - Ấn Độ luôn được Chính phủ hai nước quan tâm và củng cố không ngừng trên mọi lĩnh vực. Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam- Ấn Độ đã có bước phát triển tích cực.
Về quan hệ thương mại, theo Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm, Ấn Độ đang nằm trong nhóm 7 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia quan trọng trong “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ, nằm trong top 4 quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại với Ấn Độ, điều này được thể hiện qua sự hợp tác đa chiều giữa hai nước trong những năm gần đây.
Ông Trần Ngọc Liêm cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương 2 nước đạt 8,7 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ ước đạt 5,4 tỷ USD tăng 15,2%, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn bao gồm điện thoại các loại và linh kiện (1,2 tỷ USD, tăng 101,9%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (943 triệu USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (508 triệu USD), hóa chất (201 triệu USD), cao su (123 triệu USD), Giày dép các loại (114 triệu USD), hàng dệt may (99 triệu USD), cà phê (35 triệu USD)...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ nhiều là linh kiện, phụ tùng ô tô (212 triệu USD, tăng 39,5%), dược phẩm (197 triệu USD, tăng 43,4%), hóa chất (157 triệu USD), hàng thủy sản (148 triệu USD), sắt thép các loại (129 triệu USD), xơ sợi dệt các loại (112 triệu USD), thực ăn gia súc, bông.... Nhìn chung cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Ấn Độ cân bằng và có sự bổ sung cho nhau.
“Hai nước đặt ra mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 20 tỷ USD trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam và Ấn Độ cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ nhau như: khai khoáng, hoá chất, dệt may, da giày, năng lượng, y tế - dược phẩm, công nghiệp phụ trợ, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp và công nghệ thông tin”, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm đánh giá.
Về đầu tư, theo Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm, tính đến tháng 4/2024, Ấn Độ có 402 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 1,021 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Ấn Độ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch … Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư, Hiệp định Thương mạivà Hợp tác Kinh tế, do đó còn rất nhiều dư địa để tăng cường hợp tác đầu tư và thương mại song phương trong thời gian tới.
Ông Trần Ngọc Liêm cũng nêu một số vấn đề nổi bật cần chủ ý cải thiện như: Năm 2023 FDI từ Ấn Độ tăng mạnh cả về đầu tư mới (tăng 4861%), điều chỉnh vốn (tăng 3,5%) và góp vốn mua có phần (tăng 60,6%) đạt tổng cộng 132 triệu USD, tăng 315,2% và tăng 3 bậc từ 24 – 21/111 quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2024, FDI từ Ấn Độ chỉ đạt 19,4 triệu USD, giảm mạnh 67,5% và giảm 3 bậc từ 21-24/84 quốc gia.
Ông cũng cho biết, nhằm tạo cơ hội kinh doanh, kết nối doanh nghiệp 2 nước Việt Nam và Ấn Độ, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP HCM tổ chức sự kiện “Kết nối Doanh Nghiệp và Đầu tư Việt Nam - Ấn Độ”. Tham dự hội nghị hôm nay có đại diện của chính quyền bang Punjab và 25 tập đoàn, nhà sản xuất, kinh doanh uy tín của Ấn Độ trong các lĩnh vực nông sản - thực phẩm, vật liệu xây dựng, hóa chất, dược phẩm, thương mại tổng hợp, cơ khí máy móc, may mặc, công nghệ thông tin…
"Tôi hy vọng, thông qua sự kiện hôm nay sẽ cung cấp cho quý vị những thông tin hữu ích về môi trường đầu tư và những chính sách phát triển quan hệ kinh tế, thương mại của hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Bên cạnh đó, phiên kết nối doanh nghiệp B2B sẽ mang lại cơ hội tìm kiếm đối tác mới và tăng cường mối quan hệ kinh doanh cho doanh nghiệp hai bên trong thời gian tới”, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm chia sẻ.
Phát biểu tại sự kiện, ông Devinder Pal Singh Kharbanda - Giám đốc Cơ quan xúc tiến đầu tư bang Punjab cho biết, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, với GDP đạt 3,5 nghìn tỷ USD. Ấn Độ cũng đã sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với giá trị GDP đạt 5 nghìn tỷ USD vào năm 2026 – 2027.
Theo ông Devinder Pal Singh Kharbanda, chi tiêu tiêu dùng của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên gần 6.000 tỷ USD vào năm 2017 – 2030. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức cao mới trên 437 tỷ USD vào năm 2023-2024. Hệ sinh thái khởi nghiệp thành công lớn thứ 3 trên thế giới. Ấn Độ cũng là nơi có dân số trong độ tuổi lao động lớn nhất thế giới, ước tính sẽ vượt 1 tỷ vào năm 2030.
Cũng theo ông Devinder Pal Singh Kharbanda, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 22 của Ấn Độ và là đối tác lớn nhất của Ấn Độ trong năm 2023 – 2024. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Việt Nam gồm: ngũ cốc, sắt thép, bông, thức ăn gia súc, thủy sản, thiết bị điện, máy móc. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đạt xấp xỉ 2 tỷ USD vào các lĩnh vực như: năng lượng, khoáng sảnthăm dò, chế biến nông sản, đường, trà, cà phê.
“Trong khi đó, đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ đạt xấp xỉ 28,55 triệu USD, chủ yếu vào các lĩnh vực như: dược phẩm, công nghệ thông tin, hóa chất và vật liệu xây dựng. Ấn Độ nhập khẩu chính từ Việt Nam các mặt hàng thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông, máy móc và thiết bị cơ khí, sắt thép…”, ông Devinder Pal Singh Kharbanda thông tin thêm.
Theo Đình Đại (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)
https://diendandoanhnghiep.vn/som-dua-kim-ngach-thuong-mai-hai-chieu-viet-nam-an-do-dat-muc-20-ty-usd-10141037.html