Hành lang pháp lý với tài sản ảo chưa rõ ràng
Theo báo cáo của Chainalysis, năm 2022, dòng tài sản số (tài sản mã hóa) chảy vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD và năm 2023 là 120 tỷ USD. Năm 2021-2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số. Tuy vậy, hành lang pháp lý đối với lĩnh vực này chưa rõ ràng.
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng tài sản số không chỉ là những con số mang tính chất quy mô về dòng tiền dịch chuyển về Việt Nam, mà còn có quy mô cạnh tranh khu vực.
“Rất nhiều quốc gia trong khu vực ban hành luật lệ, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho dòng tài sản này đóng góp tích cực vào nền kinh tế”, ông Trung nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng chia sẻ rằng một trong những điểm mới trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số có lẽ là lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tài sản số.
“Mặc dù tài sản số hay tiền ảo trên thực tiễn đã rất phát triển nhưng về mặt pháp lý dường như chúng ta chưa theo kịp, chưa có một khung khổ pháp lý cho loại tài sản này. Do đó, một khung khổ chính thức có lẽ là điều cần phải tính đến”, ông Tuấn nêu và cho rằng khi có khung khổ chính thức thì hoạt động đầu tư kinh doanh theo lĩnh vực này mới có thể hình thành và phát triển.
“Chính vì chúng ta chưa có khung khổ pháp lý chính thức nên thời gian vừa qua, có những hoạt động đầu tư kinh doanh buộc phải rời bỏ Việt Nam. Ví dụ như Tập đoàn Sky Mavis, một kỳ lân công nghệ của Việt Nam có hệ sinh thái game, nhưng do thiếu khung pháp lý cho tài sản trong game nên cuối cùng họ chọn Singapore làm nơi đóng trụ sở”, ông Tuấn nói.
Do vậy, ông Tuấn mong muốn rằng Việt Nam cần phải là điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ số và việc từng bước xây dựng khung khổ pháp lý cũng là điều rất quan trọng. Khi có pháp lý, công nghiệp công nghệ số dần được hình thành, phát triển mạnh mẽ, quyền và lợi ích của những người tham gia trong lĩnh vực này được bảo vệ.
“Đã có rất nhiều giao dịch liên quan tới tài sản số, nếu chúng ta chưa có khung khổ pháp lý thì giao dịch này trở nên rủi ro, mỏng manh, những người liên quan không được bảo vệ”, ông Tuấn khẳng định.
Ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cũng thừa nhận tài sản số phát triển khá mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam, theo đó cần thiết phải có khung pháp lý liên quan đến tài sản số.
Trong đó, ông Tuấn lưu ý phải xác định và làm rõ được định nghĩa tài sản số là gì cũng như vị trí pháp lý của tài sản số và những đặc trưng, đặc tính của tài sản số. Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan mới có các biện pháp, chính sách để hình thành khung pháp lý đồng bộ.
Khái niệm blockchain chưa đủ nội hàm
Theo ông Phan Đức Trung, Hội đồng Đại Tây Dương chia khung pháp lý ra thành 4 tiêu chuẩn đánh giá của từng quốc gia, gồm: chính sách thuế; phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố; bảo vệ người tiêu dùng; chính sách cấp phép.
Khảo sát trên 60 quốc gia thì 12 quốc gia chiếm 52% GDP toàn cầu đã có khung khổ pháp lý; có 33 quốc gia đã công nhận hợp pháp, 17 quốc gia có chính sách rõ ràng một phần và 10 quốc gia cấm toàn bộ với tài sản số.
Hiện nay tại Việt Nam, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số (Điều 8) khẳng định cốt lõi nền tảng của tài sản số sẽ là công nghệ blockchain. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng khái niệm này chưa bao quát đầy đủ nội hàm.
Theo ông, để ứng dụng tài sản số thì có một số nội hàm:
Thứ nhất là ứng dụng vào tiền số của Ngân hàng Trung ương. Đây là một trong những nội hàm Chính phủ chỉ đạo từ năm 2017, giao cho Ngân hàng Nhà nước. Tiền số trong Ngân hàng Trung ương cũng là tài sản số.
Thứ hai là chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, liên quan đến nội hàm của các giao dịch sàn. Sàn về tổng thể là trách nhiệm của Bộ Tài chính, nhưng trong đó đơn vị nào quản lý sàn? Ủy ban chứng khoán hay lập ra một tổ chức như cục phòng chống rửa tiền của nước ngoài?
Thứ ba là vấn đề trong hệ thống yêu cầu cấp phép, quản lý. Chúng ta phải cấp phép được và khi cấm thì phải bắt được các đối tượng hoạt động không phép ở Việt Nam.
“Chúng ta đang nhìn đến vấn đề thuế, sẽ có một dòng thuế mới xuất hiện trong tương lai của Việt Nam. Đó là một điều đáng mừng và hy vọng Luật Công nghiệp công nghệ số là nền tảng để chia sẻ từ giá trị tài sản này với luật khác đã tồn tại như Bộ luật Dân sự”, ông Trung nêu.
Ông Trương Bá Tuấn cũng cho rằng nếu Luật Công nghiệp công nghệ số đưa vào nội dung này thì sẽ có căn cứ để thực hiện pháp luật về thuế đối với chủ thể khi tham gia kinh doanh, chuyển nhượng tài sản số (nếu chúng ta xem đó là một loại tài sản).
Thực chất, theo ông Tuấn, hệ thống pháp luật thuế Việt Nam cũng đã có các sắc thuế để điều chỉnh đầy đủ các hoạt động liên quan đến việc giao dịch, chuyển nhượng tài sản này.
Ví dụ Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định nguyên tắc chung là đối tượng, cá nhân cư trú có nghĩa vụ nộp thuế đối với thu nhập phát sinh ở Việt Nam và ngoài Việt Nam. Luật cũng đưa ra khá rõ các khoản thu nhập chịu thuế, trong đó có một khoản là thu nhập từ sản xuất kinh doanh của cá nhân, ngưỡng trên 100 triệu; thu nhập từ chuyển nhượng tài sản…
Ông Đậu Anh Tuấn cũng tán đồng góc nhìn này, tuy vậy ông cho rằng cái khó phải đối mặt là phải định nghĩa nó là gì.
“Có nước xem đây như một loại chứng khoán, có nước xem đây là một loại tài sản đặc biệt, có nước xem là một tài sản hỗn hợp. Nghĩa là cách tiếp cận của mỗi quốc gia khác nhau. Vậy phản ứng của Việt Nam như thế nào?”, ông Tuấn nêu.
Theo Kỳ Thư (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
https://vietnamfinance.vn/hon-120-ty-usd-tai-san-so-chua-duoc-cong-nhan-ky-lan-cong-nghe-roi-bo-viet-nam-d115048.html