Quan tâm Giáo dục đào tạo, tạo động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững

Đào tạo giáo dục đại học cải thiện rõ rệt về chất lượng

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo bứt phá.

Nêu 10 điểm sáng nổi bật trong kết quả năm học 2023 - 2024, Thủ tướng Chính phủ cho biết, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên phát triển. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra. Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ tiếp tục được chú trọng, đạt kết quả toàn diện.

Quan tâm Giáo dục đào tạo, tạo động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định; đào tạo giáo dục đại học ngày càng được chú trọng và được cải thiện rõ rệt về chất lượng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tiếp tục bổ sung chỉ tiêu biên chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về số lượng theo quy định. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin...

Năm học 2023 - 2024 (tính đến tháng 4/2024), các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Tính đến hết năm học 2023 - 2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377 giáo viên mầm non, phổ thông (tăng 17.253 giáo viên so năm học 2022 - 2023) và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (giảm 723 cán bộ quản lý so năm học 2022 - 2023).

Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục, nhất là trong đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ...

Lấy người học làm trung tâm

Theo Thủ tướng, năm học 2024 - 2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương thực hiện 9 nội dung nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới và tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới; tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Quan tâm Giáo dục đào tạo, tạo động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức Kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học. Đồng thời, xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” và phù hợp thực tiễn.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số.

Thủ tướng phân tích và yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng”.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2024-2025, cùng với cả nước, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại Nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo. Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng, toàn ngành Giáo dục sẽ ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra../.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 - 2024, cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông (giảm 176 cơ sở so năm học 2022 - 2023), với tổng số 18.463.481 học sinh (giảm 336.049 học sinh so năm học 2022 - 2023), trong đó cấp Tiểu học là 8.919.198 học sinh (giảm 313.518 học sinh), cấp THCS là 6.550.552 học sinh (tăng 472.852 học sinh); cấp trung học phổ thông THPT là 2.993.731 học sinh (tăng 106.166 học sinh).

Theo Mai Tấn (Thời báo Tài chính)

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quan-tam-giao-duc-dao-tao-tao-dong-luc-phat-trien-dat-nuoc-nhanh-va-ben-vung-157496.html