Cơ hội và thách thức với thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Vẫn còn nhiều thách thức cho thị trường trái phiếu. Ảnh minh họa: Trọng Hiếu

Nhằm góp phần khơi thông, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sáng 16/8 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững".

Hội thảo có sự góp mặt của lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, Hiệp hội, các chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty niêm yết, tổ chức xếp hạng tín nhiệm...

Nhadautu.vn xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của ông Nguyễn Thế Ngân, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Tiền tệ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, với chủ đề: Cơ hội và thách thức với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trong 7 tháng đầu năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDN) cho thấy nhiều tín hiệu tích cực về giá trị chậm trả gốc hoặc lãi phát sinh mới ở mức thấp, tái cấu trúc trái phiếu chậm trả ổn định, lượng trái phiếu rủi ro cao giảm. Thị trường có 56 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với khối lượng khoảng 45.000 tỷ đồng (tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023).

Dù đã qua thời điểm khó khăn nhất, song thị trường TPDN vẫn còn nhiều thách thức. Đó là áp lực TPDN đáo hạn trong những năm tới còn lớn. Theo ước tính, tổng giá trị TPDN đáo hạn năm 2024 là khoảng hơn 200.000 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ (số liệu đã loại trừ các TPDN được mua lại trước hạn và các TPDN được gia hạn kỳ hạn theo công bố đến hết ngày 10/1/2024).

Nhiều nhà đầu tư cá nhân còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch TPDN riêng lẻ và năng lực đánh giá rủi ro nhưng vẫn tham gia vào thị trường TPDN. Như nhà đầu tư cá nhân nhầm lẫn trong việc tưởng NHTM hoặc công ty chứng khoán khi bán TPDN là trái phiếu đó được bảo lãnh hoặc đảm bảo thanh toán hoặc có tính an toàn cao; chưa nẵm rõ quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp…

Về phía doanh nghiệp phát hành, còn tồn tại hiện tượng chưa tuân thủ đúng về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; chưa công khai, minh bạch trong việc thực hiện các nghĩa vụ của mình trên thị trường trái phiếu theo quy định pháp luật (như nghĩa vụ phải công bố báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, báo cáo tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu…).

Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, Nhà nước cần có các chiến lược, chính sách và giải pháp cần thiết bảo đảm để thu hút nguồn vốn từ nền kinh tế, từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các giải pháp được đề ra gồm hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp: rà soát tổng thể các Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng... Hoàn thiện nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Giám sát, kiểm tra các hồ sơ đăng ký phát hành có trị giá lớn, lãi suất cao trước khi phát hành TPDN. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ phát hành.

Nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường TPDN: khuyến khích các nhóm ngành liên quan đến trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, các ngành hỗ trợ đầu tư… Đối với trái phiếu BĐS cần kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực đất đai; lĩnh vực quy hoạch; lĩnh vực đầu tư; lĩnh vực nhà ở, đô thị và xây dựng…

Quản lý phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, tùy theo tình hình để cấp phép bổ sung số lượng doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, sự tham gia chất lượng của các công ty kiểm toán, kế toán.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đảm bảo tính kịp thời, liên tục; giáo dục, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nghiên cứu theo thông lệ quốc tế xây dựng quỹ bảo vệ nhà đầu tư…

Về phía các nhà đầu tư, giải pháp gồm phát triển đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp; nâng cao nhận thức về quy định phát hành TPDN, mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân cùng các rủi ro khi đầu tư TPDN.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu và nắm rõ về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư...

Tóm lại

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, Nhà nước cần có các chiến lược, chính sách và giải pháp cần thiết bảo đảm để thu hút nguồn vốn từ nền kinh tế, từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Về phía doanh nghiệp phát hành phải tuyệt đối tuân thủ theo các quy định pháp luật, các hướng dẫn quy trình chi tiết cụ thể của quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cùng với nâng cao tính kỷ luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ phát hành. Đồng thời, cần thiết nâng cao nhận thức của nhà đầu tư khi tham gia trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ ngay từ khâu tham gia mua TPDN cũng như quá trình sử dụng vốn và các đợt thanh toán gốc lãi TPDN của doanh nghiệp. 

Theo Nguyễn Thế Ngân (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)

https://nhadautu.vn/co-hoi-va-thach-thuc-voi-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-d88176.html