Shophouse nghỉ dưỡng về 'mo' 4 tháng liên tiếp

Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) tháng 7 của DKRA Group cho thấy, BĐS nghỉ dưỡng vẫn đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là về nguồn cung và thanh khoản.

Cụ thể, đối với biệt thự nghỉ dưỡng có 1 dự án ở giai đoạn tiếp theo mở bán với nguồn cung 13 căn, tiêu thụ được 5 căn. Nguồn cung trong tháng chỉ tập trung ở miền Bắc. Sức cầu chung thị trường giảm đáng kể, lượng giao dịch tập trung ở những dự án sơ cấp và phân bổ chủ yếu ở nhóm sản phẩm có mức giá dưới 15 tỷ đồng/căn.

Mặt bằng giá bán không có nhiều biến động rõ nét so với tháng trước và vẫn neo ở mức cao. Những chính sách cam kết/chia sẻ lợi nhuận/doanh thu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc… tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm tăng thanh khoản.

Niềm tin của nhà đầu tư chưa khôi phục khiến thị trường BĐS nghỉ dưỡng kéo dài tình trạng khó khăn. Ảnh: Arena Cam Ranh

DKRA cho biết, vướng mắc pháp lý khiến nhiều dự án chưa thể mở bán, trong khi lượng hàng tồn kho giá trị cao khiến thanh khoản gặp khó, bên cạnh đó niềm tin của nhà đầu tư chưa khôi phục cũng là những nguyên nhân chính khiến thị trường vẫn kéo dài tình trạng khó khăn.

Đối với condotel, ở tháng 6 "bùng nổ" nguồn cung và lượng tiêu thụ thì sang tháng 7, không có nguồn cung mới mở bán.

Thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều dự án vướng mắc pháp lý chưa thể giải quyết. Đồng thời, nhiều chủ đầu tư tiếp tục dời thời gian triển khai bán hàng khiến nguồn cung đưa ra thị trường hạn chế.

Lượng tiêu thụ sơ cấp tập trung chủ yếu vào những sản phẩm có tổng giá trị dưới 3 tỷ đồng/căn.

Kỳ "ngủ đông" kéo dài của shophouse nghỉ dưỡng

Đáng chú ý, shophouse nghỉ dưỡng tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mới mở bán. Kể từ tháng 4 đến nay, loại hình này có nguồn cung và lượng tiêu thụ mới bằng 0. Khả quan hơn, ở tháng 3, có 85 căn nhưng cũng chỉ tiêu thụ được 3 căn.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Đầu tư DKRA Group cho rằng, nhiều dự án liên tục dời thời gian triển khai bán hàng giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay khiến nguồn cung shophouse nghỉ dưỡng mới hạn chế.

Sức cầu chung thị trường duy trì ở mức thấp, lượng giao dịch khiêm tốn và chủ yếu tập trung ở nhóm sản phẩm sơ cấp, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng đảm bảo với mức giá dưới 10 tỷ đồng/căn.

"Thị trường thứ cấp ghi nhận một số sản phẩm shophouse nghỉ dưỡng có mức giá giảm đến 30-40% nhưng vẫn gặp khó trong thanh khoản. Sức mua giảm mạnh, nguồn cung mới vắng bóng, vướng mắc pháp lý... đã gây ra những trở ngại khiến phân khúc này gần như rơi vào chu kỳ "ngủ đông" kéo dài", ông Thắng cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhận định, từ nay đến cuối năm, nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng sẽ được cải thiện với nhiều hơn doanh nghiệp "can đảm" ra hàng nhưng với số lượng không đáng kể do thị trường BĐS chung chưa thực sự khởi sắc.

Hiện, nhiều dự án vẫn phải tạm dừng do gặp khó khăn về pháp lý, dòng tiền. Nguồn cung chủ yếu sẽ là loại hình cao tầng, giá trị dưới 5 tỷ đồng.

"Condotel sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng sơ cấp và thứ cấp nhờ tạo ra dòng tiền ổn định với giá trị đầu tư không quá cao. Còn biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng khả năng tiếp tục phải cạnh tranh với các sản phẩm đang rao bán trên thị trường thứ cấp", ông Đính đánh giá. 

Theo Vũ Phạm (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)

https://nhadautu.vn/shophouse-nghi-duong-ve-mo-4-thang-lien-tiep-d88005.html