Theo ông Phước hiểu, quá trình xử lý vải ở trên tương ứng với định nghĩa được đề cập ở Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và sẽ được quản lý như Khoản 1 Điều 65 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; còn quá trình xử lý linh kiện chứa kim loại đồng tương ứng với định nghĩa được đề cập ở Khoản 7 Điều 3 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
Ông Phước hỏi, cách hiểu của ông như trên có đúng với quy định của pháp luật hay không?
Ông Phước cũng muốn biết, phế liệu và chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất giống và khác nhau như thế nào?
Hoạt động đồng xử lý chất thải để thu hồi năng lượng có được xem tương ứng với nội dung đề cập ở Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và sẽ được quản lý như Khoản 1 Điều 65 Nghị định 08/2022/NĐ-CP hay không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các thông tư liên quan, cách hiểu của ông là chính xác.
Tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định, tái sử dụng chất thải là việc sử dụng lại chất thải một cách trực tiếp hoặc sử dụng sau khi đã sơ chế. Sơ chế chất thải là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật cơ - lý đơn thuần nhằm thay đổi tính chất vật lý như kích thước, độ ẩm, nhiệt độ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý nhằm phối trộn hoặc tách riêng các thành phần của chất thải cho phù hợp với các quy trình quản lý khác nhau.
Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định, tái chế chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có giá trị từ chất thải.
Như vậy, quá trình chuyển giao vải thừa (được phân định là chất thải) cho các đơn vị có chức năng để họ sơ chế và phối trộn để kéo thành sợi vải nhân tạo là tái chế chất thải tương ứng với định nghĩa được đề cập tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Tương tự, việc linh kiện (không nguy hại) có chứa kim loại đồng và chuyển giao cho đơn vị có chức năng để họ phân tách và nấu lại để thu lại kim loại đồng nguyên chất cũng là tái chế chất thải.
Ngoài ra, cả hai quá trình này sẽ được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường:
Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu sản phẩm loại ra từ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác
Chất thải rắn công nghiệp là chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong đó bao gồm chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất là nhóm chất thải được thu hồi, phân loại, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Theo quy định tại Khoản 21 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường, đồng xử lý chất thải là việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải, trong đó chất thải được sử dụng làm nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu thay thế hoặc được xử lý.
Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định, tái sử dụng chất thải là việc sử dụng lại chất thải một cách trực tiếp hoặc sử dụng sau khi đã sơ chế. Sơ chế chất thải là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật cơ - lý đơn thuần nhằm thay đổi tính chất vật lý như kích thước, độ ẩm, nhiệt độ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý nhằm phối trộn hoặc tách riêng các thành phần của chất thải cho phù hợp với các quy trình quản lý khác nhau.
Khoản 1 Điều 65 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định, chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu hồi, phân loại, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất được quản lý như sản phẩm, hàng hóa.
Hoạt động đồng đốt chất thải công nghiệp thông thường để thu hồi năng lượng đáp ứng với Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Chất thải công nghiệp thông thường được xem là nhiên liệu có thể đồng đốt được quản lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Theo Chinhphu.vn (Báo Chinh phủ)
https://baochinhphu.vn/the-nao-la-tai-su-dung-tai-che-chat-thai-10224071914392305.htm