Triển vọng sáng với cổ phiếu hàng tiêu dùng

Empty Cầu tiêu dùng được kỳ vọng phục hồi tốt hơn trong nửa cuối năm. Ảnh minh họa: Trọng Hiếu

Số liệu vĩ mô tháng 5 ghi nhận điểm sáng khi chỉ số sản xuất chế biến chế tạo khả quan với sự phục hồi ở hầu hết các nhóm ngành. Nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng nhanh hơn so xuất khẩu, là tín hiệu tích cực cho mùa cao điểm xuất khẩu sắp tới. Tuy nhiên, tiêu dùng chưa bứt phá và thấp hơn tốc độ tăng trưởng của năm trước Covid-19.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5 ước đạt 519.800 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.580.200 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 12,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,3%).

SSI Research đánh giá tiêu dùng chưa bứt phá trong tháng 5 khi ghi nhận giảm 0,1% so với tháng trước. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 4 điều chỉnh giảm (- 0,4%), cho thấy tiêu dùng trong dịp Lễ 30/4 không quá đột biến.

Song, việc nền kinh tế đang phục hồi tốt, chính sách cải cách tiền lương và gia hạn chính sách giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm là yếu tố tác động tích cực tới tiêu dùng trong nước vào nửa cuối năm nay. Điều này tạo nên triển vọng sáng cho các cổ phiếu hàng tiêu dùng.

Những kết quả khả quan

Trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh gần đây, Vinamilk (mã: VNM) công bố mức tăng trưởng doanh thu nội địa sơ bộ tháng 4 và 5 ổn định lần lượt 10% và 6% so với cùng kỳ năm trước, vượt kỳ vọng của thị trường (quý I chỉ tăng 2%). Tương tự, doanh thu xuất khẩu cũng tăng 16%, cải thiện nhiều so với mức 5,9% trong quý I.

Tính chung 5 tháng, tổng doanh thu tăng 4%, riêng nội địa tăng 3% và xuất khẩu tăng 20%. SSI Research nhận định đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng đầy tích cực trong quý II của “ông lớn” ngành sữa. Đồng thời, doanh thu trong quý III (mùa bán hàng cao điểm của Vinamilk) cũng được kỳ vọng sẽ tốt hơn khi tâm lý tiêu dùng dần phục hồi.

Mặt khác, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng tiết lộ đã chốt giá sữa bột đầu vào cho đến cuối năm 2024, giá chốt hấp dẫn hơn so với năm 2023 và quý I/2024. Do đó, biên lợi nhuận gộp 41,9% trong quý I có thể được duy trì ổn định trong suốt năm và hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số năm nay.

Trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên mới đây, lãnh đạo Tập đoàn KIDO (mã: KDC) tỏ ra tự tin việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng năm nay, doanh thu 13.000 tỷ đồng, tăng 50% và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, gấp 2,5 lần thực hiện năm qua. Động lực đến từ triển vọng phục hồi của nền kinh tế và lợi thế sản xuất, hệ thống phân phối rộng khắp của chính doanh nghiệp.

KIDO là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực dầu ăn – bơ và thực phẩm (kém, bánh). Năm qua, KIDO đã thâu tóm thành công Bánh bao Thọ Phát – đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất bánh bao, bánh hấp…, thương hiện 37 năm trên thị trường. KIDO sẽ tái định vị thương hiệu Thọ Phát và Mỹ Hương, đa dạng hóa ngành hàng, mở rộng thị trường ra miền Trung và miền Bắc, xây dựng hệ thống 1.000 đại lý trên toàn quốc, 50.000 điểm bán trên toàn quốc. Đồng thời, tập đoàn cũng phát triển hệ thống miniBAO với 12.000 cửa hàng – xây dựng kênh độc quyền. Ngoài ra, tập đoàn cũng bắt đầu thâm nhập vào ngành hàng nước chấm, gia vị có quy mô lên tới 60.000 tỷ đồng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi siết chặt quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, Sabeco (mã: SAB) đang cho tín hiệu phục hồi khi kết quả kinh doanh quý I tốt hơn dự kiến, doanh thu tăng 15,6% lên 7.190 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.020 tỷ đồng, tăng 2%.

SSI Research nhận định Sabeco có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong quý II vì cả giải vô định bóng đá châu Âu 2024 và Thế vận hội mùa hè 2024 đều đã và sắp diễn ra. Đồng thời, quý II/2023 cũng có mức nền so sánh thấp.

Trong quý I, hầu hết các doanh nghiệp hàng tiêu dùng đều có kết quả khả quan. Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) báo lãi tăng 68% lên 532 tỷ đồng, KIDO chuyển lỗ 319 tỷ đồng thành lãi 10 tỷ đồng, Vinamilk tăng lãi 18% lên 2.195 tỷ đồng…

Nhiều câu chuyện tại Masan

Đi ngược thị trường, Tập đoàn Masan (mã: MSN) báo cáo lãi ròng quý đầu năm giảm phân nửa xuống 104 tỷ đồng. Nguyên nhân là do kết quả kinh doanh kém khả quan của Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials (mã: MSR) – lỗ ròng 718 tỷ đồng kéo lùi tăng trưởng tổng thể trong khi các đơn vị thành viên khác như Techcombank (mã: TCB), Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (mã: MCH), Wincommerce (WCM) và Masan MeatLife (mã: MML) đều tích cực.

Tập đoàn Masan có nhiều hoạt động tái cấu trúc đáng chú ý trong giai đoạn 2024 – 2025. Đó là thoái vốn hoàn toàn khỏi công ty chế biến khoáng sản H.C. Starck, kế hoạch niêm yết Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (mã: MCH) sang sàn HoSE và khả năng bán cổ phần tại công ty này. Những động thái này nhằm tập trung vào hoạt động kinh doanh tiêu dùng cốt lõi.

Theo SSI Research, trong năm 2024 với kỳ vọng sự phục hồi ở tất cả các mảng hoạt động kinh doanh, tập đoàn có thể đạt được tăng trưởng doanh thu từ công ty con.

Chuỗi bán lẻ tiêu dùng - Wincommerce (WCM) tăng doanh thu nhờ mở mới cửa hàng nhanh chóng, kết quả của các hoạt động tái cấu trúc mô hình cửa hàng trong giai đoạn 2022-2023 và tiêu dùng phục hồi.

Thị trường tiêu dùng phục hồi, hoạt động nghiên cứu và tung sản phẩm mới cho thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu là động lực của MCH. Đồng thời, công ty cũng tăng sức cạnh tranh nhờ tận dụng nền tảng bán lẻ (WCM).

MML triển vọng tốt hơn khi hoạt động kinh doanh chăn nuôi phục hồi từ nền thấp 2023 nhờ giá thịt heo tăng, thịt chế biến bước vào giai đoạn ổn định, thịt heo mát thâm nhập thị trường cùng tốc độ mở rộng mạng lưới WCM.

Trong khi đó, Masan High - Tech Materials sẽ thoái vốn toàn bộ 100% vốn sở hữu tại H.C. Starck (HCS) cho Mitsubishi Materials Corp (MMC) với giá 134,5 triệu USD. Số tiền thu được từ việc thoái vốn sẽ giúp MSR giảm đòn bẩy tài chính và có thể ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường khoảng 40 triệu USD vào năm nay. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của mảng khai khoáng cũng kỳ vọng được cải thiện hơn đáng kể so với khoản lỗ lớn trong năm 2023.

SSI Research cho rằng trong ngắn hạn, lợi nhuận quý II cải thiện, thông tin liên quan cổ tức đặc biệt bằng tiền mặt và niêm yết HoSE của MCH hay ghi nhận tiền thoái vốn khỏi HCS là yếu tố hỗ trợ cổ phiếu MSN tăng giá. Về dài hạn, Tập đoàn Masan có thể là một đại diện cho câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng và bán lẻ của Việt Nam trong dài hạn. Cổ phiếu MSN được ước tính sẽ thu hút dòng vốn ngoại nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Song, đòn bẩy cao vẫn là vấn đề cần theo dõi chặt chẽ và việc giảm đòn bẩy là yếu tố quan trọng để tập đoàn đạt tăng trưởng lợi nhuận trong trung hạn.

Ngoại trừ Masan, các cổ phiếu hàng tiêu dùng khác như VNM, KDC, SAB, QNS đều có diễn biến kém tích cực hơn so với VN-Index trong 6 tháng đầu năm.

co-phieu-HTD

Theo Nguồn: TradingView / Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính

https://nhadautu.vn/trien-vong-sang-voi-co-phieu-hang-tieu-dung-d86752.html