Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 43 Luật Đấu thầu, đối với trường hợp quy định tại Điểm m Khoản 1 Điều 23 của Luật này, người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng quy trình rút gọn...
Bà Loan hỏi, trong trường hợp này (phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước khi có quyết định phê duyệt dự án) thì chủ đầu tư là người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có phải là người có thẩm quyền quyết định áp dụng quy trình rút gọn hay không?
Trong Điều 76 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP chỉ hướng dẫn quy trình chỉ định thầu thông thường nhưng không áp dụng đối với gói thầu quy định tại Điểm m Khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu. Vậy, nếu các gói thầu quy định tại Điểm m Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu áp dụng quy trình chỉ định thầu thông thường thì thực hiện theo quy định nào?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Điểm m Khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023, chỉ định thầu được áp dụng trong trường hợp gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 1 tỷ đồng.
Theo Khoản 2 Điều 43 Luật Đấu thầu năm 2023, đối với trường hợp quy định tại Điểm m Khoản 1 Điều 23 của Luật này, người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng quy trình rút gọn bao gồm các bước sau:
- Chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu;
- Hoàn thiện hợp đồng;
- Trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.
Căn cứ Khoản 2 Điều 40 Luật Đấu thầu quy định thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đã phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu; người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án không áp dụng kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này; chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án trong trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của gói thầu đấu thầu trước theo quy định tại Điều 42 của Luật này hoặc gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.
Theo đó, đối với các dự án không áp dụng kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu thì người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 40 Luật Đấu thầu.
Đối với gói thầu thực hiện trước khi phê duyệt dự án, chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án trong trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (bao gồm gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu) theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 40 Luật Đấu thầu năm 2023.
Theo Chinhphu.vn (Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/tham-quyen-quyet-dinh-ap-dung-chi-dinh-thau-rut-gon-102240618102414831.htm