Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Giai đoạn 2020 – 2023, kinh tế trong và ngoài nước có nhiều thay đổi, nổi bật là sự phát triển mạnh mẽ và vượt bậc của thương mại điện tử. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, doanh thu quản lý thuế của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử năm 2022 là 3,1 triệu tỷ đồng, với số thuế nộp là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 doanh thu là 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế nộp là 97 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức mới đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, bao gồm cả lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Mua sắm hàng hoá trên thương mại điện tử là phương thức tiện dụng được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Hải Anh

Trước thực trạng trên, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mới đây, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định số 55/2024/NĐ-CP đã kịp thời bổ sung nhiều quy định để tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh mới, trong đó, nhiều quy định đã được đánh giá có tính thực tiễn cao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Đáng chú ý là Luật đã bổ sung một Chương về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, trong đó, quy định riêng một Điều về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng.

Để điều chỉnh, quản lý hoạt động của các mô hình giao dịch trên không gian mạng nêu trên, Luật xác định rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan. Đó là tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua nền tảng số; tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.

Theo đó, Luật và văn bản hướng dẫn đã xác định chính xác chủ thể chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng.

Quy định này nhằm kịp thời giải quyết vấn đề không phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch trên không gian mạng, hạn chế tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm khi có tranh chấp phát sinh với người tiêu dùng, đặc biệt đối với các giao dịch có nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện giao dịch...

Như vậy, có thể thấy các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 55/2024/NĐ-CP đã kịp thời bổ sung các căn cứ pháp lý để điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ thực tiễn, đồng thời, có sự tham khảo, chắt lọc từ kinh nghiệm, xu hướng trên thế giới để không chỉ bảo đảm tính khả thi, hiệu quả mà còn bảo đảm tính dự báo, có khả năng điều chỉnh các vấn đề có xu hướng phát sinh từ thực tiễn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. 

Theo Nguyễn Vân (Thời báo Tài chính)

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-trong-thuong-mai-dien-tu-153178.html