Gói thầu mua sắm áp dụng hạn mức chỉ định thầu thế nào?

Ông Dương Anh Hùng (Sơn La) hỏi, các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng; gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 1 tỷ đồng, sử dụng nguồn chi thường xuyên theo Luật Ngân sách có được áp dụng hạn mức chỉ định thầu tại Điểm m Khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu không (trong Luật chỉ nêu dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, còn đây là các dự án không thực hiện theo Luật Đầu tư công)?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Tại Điểm m Khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 quy định gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 1 tỷ đồng.

Như vậy, đối với gói thầu sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên (bao gồm vốn sự nghiệp chi thường xuyên, gói thầu thuộc dự án cải tạo, sửa chữa…), không phải dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công thì sẽ áp dụng hạn mức chỉ định thầu theo dự toán mua sắm là trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Đối với gói thầu, nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hoá đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Theo Chinhphu.vn (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/goi-thau-mua-sam-ap-dung-han-muc-chi-dinh-thau-the-nao-10224061115562122.htm